19 tháng 8, 2007

Nhớ một Thầy giáo cũ (*)

(*) Trần đăng Khoa


Người thầy cũ của tôi là một giáo sư nước ngoài. Ông là người Nga. Trong đời tôi, may mắn sao, tôi có một khoảng thời gian khá dài theo học một khoá đào tạo cơ bản ở Học viện Văn học M. Gorki. Đối với tôi, mỗi giáo sư ở Học viện này đều là những học giả lớn. Có người như một nhà tiên tri. Đó là trường hợp giáo sư tiến sĩ I. Kunhitxưn. Ông là giáo sư triết học, nhà giáo công huân Liên Xô. Buổi giảng nào của ông giảng đường cũng đông nghịt. Rất nhiều học viên các năm trước cũng xuống nghe lại. Vì bài giảng của ông lại có thêm nhiều điều mới. Tri thức trong ông luôn được bổ sung. Giáo án của ông luôn mở. Nó không phải là cái khuôn đã đóng cứng. Cứ nghe người ta kháo nhau, thì có thời ông bị dị nghị, thậm chí còn bị ngồi tù vì đã nói thật nói thẳng điều cảnh báo về những bất cập của chủ nghĩa xã hội Xôviết. Những bất cập ấy, nếu không khắc phục được thì tất yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ. Khi M. Gorbachev lên, nhờ công cuộc đổi mới, ông được ra tù và trở lại giảng đường. Lúc bấy giờ M. Gorbachev có uy tín lắm. Không ít người coi ông như Lênin tái thế. Nhà văn I. Bônđarev kêu lên: Cái bi kịch của Nhà nước Xô-viết hiện nay là phải dạy những người quá thông minh, phải nuôi những cái bụng quá no và may sắm cho những người có quá nhiều quần áo đẹp. Ca tụng Nhà nước Xô-viết như vậy, quả cũng là tài lắm. Giáo sư I. Kunhitxưn không có được cái lạc quan như thế. Ngay từ những ngày ấy, ông cũng đã lại cảnh báo rằng, những luận thuyết của M. Gorbachev có thể sẽ diễn ra ở rất nhiều nước trên thế giới, nhưng chính M. Gorbachev thì sẽ thất bại thảm hại. Nếu ông ta không bị bắn thì cũng ngã ngựa giữa đường. Sáu năm sau, sự thể diễn ra đúng như thế. Và còn rất nhiều điều khác nữa, tôi nhận thấy chúng đều diễn ra đúng như ông nói ở trên đất Nga, cũng như trên toàn cầu. Đối với sinh viên, I. Kunhitxưn luôn coi chúng tôi như những người bạn. Sau buổi giảng, thường có những cuộc trao đổi giữa thầy và trò, nhiều khi là cuộc tranh luận rất thẳng thắn và thú vị. I. Kunhitxưn luôn khuyến khích những ý nghĩ khác mình. Ông không bao giờ trù dập những sinh viên cãi lại mình, và thường trong trường hợp ấy, ông cho điểm rất cao. Tôi nghĩ phải là ông thầy rất giỏi mới có được tư chất ấy. Tôi nhớ một kỳ thi, khi bàn về phạm trù bi kịch, sau tất cả mọi điều, ông hỏi tôi:
- Cái bi kịch của người Việt hiện nay là gì?
- Người Việt không có bi kịch.. - Tôi bắt đầu đùa với ông. - Thầy có công nhận với em rằng cái bi kịch lớn nhất của người châu Âu, hay của cả loài người nói chung là cái chết? Vậy mà đối với người phương Đông, đặc biệt là người Việt thì lại không có cái chết. Trong Di chúc bất hủ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bảo, chết là đi gặp cụ Các Mác, gặp cụ Lênin, và như thế, cái chết đã thành cuộc hội ngộ với tổ tiên, với các bậc tiền bối vĩ đại. Nếu ở nước Nga, người ta thường chọn những bộ quần áo đẹp nhất để đi dạ hội hoặc vào vũ trường thì ở làng quê Việt Nam xưa, các cụ già lại thường dành những bộ quần áo mới nhất ấy để mặc khi... vào cõi Tổ tiên. Người Việt không sợ chết. Bởi thế, kẻ thù nào đến Việt Nam cũng sẽ phải thất bại thảm hại. Bởi không ai có thể thắng nổi những con người không biết chết và không sợ chết...

- Ừ lạ thật! Cái ý nghĩ trong đầu anh lạ lùng thật đấy!
Giáo sư cười rất vui. Ông cho tôi điểm khá cao, đến nỗi tôi đâm hoảng:
- Chết, em đùa đấy, thầy ạ! Xin thầy thứ lỗi. Em đã nói đùa...
- Thế anh tưởng tôi tin lời anh nói sao? Tôi biết anh đùa. Hay nói cách khác anh đang sáng tác truyện khoa học viễn tưởng. Tôi đã sang Việt Nam rồi. Tôi biết người Việt thế nào chứ! Sức mạnh lớn nhất của người Việt chính là sự bí hiểm. Bao nhiêu kẻ thù được coi là hùng mạnh nhất thế giới mà đến Việt Nam cũng đều trở thành kẻ bại trận, chính vì họ hoàn toàn không hiểu người Việt. Và tất nhiên, cũng sẽ chẳng có ai hiểu được người Việt, bởi ngay cả chính người Việt, họ cũng có hiểu được họ đâu...

Trần đăng Khoa.

Không có nhận xét nào: