17 tháng 3, 2009

dưng không thấy mình nhỏ

Vừa qua kỳ thi, bài kiểm tra đầu năm thôi, mà quạu lắm, dữ dằn lắm : nè tổ chức ngồi theo số báo danh, nè phòng thi đánh mật mã, nè gv khác chấm, nè đề thi nộp trực tiếp Hiệu trưởng,... (khổ, thi ơi là thi, sinh mi làm chi !). Rồi phát bài thi về : Sáng nay, trò (12P1) cầm bài lên "kiện"... hạ điểm : thưa thầy, bài con chỉ có 7, điểm ghi thành 8.(chấm điểm từng mục, có thang điểm - cộng lại ... dư) Thú vị nữa, đấy là ngạc nhiên thứ hai trong tuần đó nha. Vì hôm qua, trò 10A9 cũng thế, xin xuống 7 điểm (đúng thang điểm) chứ không phải là 8 do gv cộng nhầm ! (trò MK ơi ... thương quá !). Điểm kiến thức các em đúng là chỉ 7 điểm. Nhưng con điểm tâm hồn thì cho bao nhiêu ? bao nhiêu ? tôi thầm cảm ơn những người cha người mẹ ai mà khéo ... đẻ con, thương qúy qúa !

Vui làm sao cho mầm hy vọng. Vì buồn làm sao bởi dọc đường gặp số đông quan tâm là điểm số, đậu và ... chỉ đậu ..., xướng, khoa, hoa miệng ... bằng cấp !

Dọc đường cái quan, ngày xưa, còn có chiếc cầu dịp đá, và bóng đưa của những cái cáng xanh. Những ngày rực rỡ, còn có võng lọng tưng bừng của một ông nghè về vinh quy, với cô gái quê má lúm răng đen, gọn mình trong chiếc võng, âu yếm nhìn ông tân khoa, chồng ta, và do công ta thức khuya dậy sớm hái dâu dệt lụa để chàng ăn học.
Bây giờ những cái đó đã mất rồi, mà trên đường, chúng ta chưa có cái gì khác thay vào. Chúng ta đi, hai bàn tay trắng. (Dọc đường - Thạch Lam)

Sẽ có Công viên Văn Miếu đương đại
Thứ hai, 29/9/2008, 11:03 GMT+7 (
tintuconline
)
Với diện tích 25 ha tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, Công viên Văn Miếu đương đại sẽ là điểm nhấn văn hoá trong thế kỷ XXI. Tại đây, hình hài của nền khoa học và giáo dục Việt Nam cận, hiện đại sẽ được tái hiện tương đối đầy đủ.
Việc lựa chọn Hoà Bình là nơi xây dựng công viên này được các nhà khoa học trong hội đồng cố vấn cho biết: “Đây là cái nôi của người Việt cổ, với thế đất hình con Rùa khổng lồ đang bơi trên dòng suối Vàng sẽ tạo cho công viên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, giao hoà âm dương trời đất”.

(VH) - Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam (CPD) do một nhóm các giáo sư, tiến sĩ, cán bộ của Công ty Công nghệ và xét nghiệm y học (MEDLATEC) đưa ra ý tưởng và thành lập, được UBND tỉnh Hoà Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư vào trung tuần tháng sáu vừa qua, do PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm Giám đốc.
Bảo tàng tiến sĩ VN: Giáo sư chưa là tiến sĩ có được tôn vinh? (26/09/2008) (
báo Văn hóa
)

Khắc tên 16 nghìn tiến sỹ - xin can, xin can! Tôi tin rằng, những nhà khoa học thật sự của Việt Nam không ai muốn nằm cạnh những tiến sỹ “ngoại giao” hay “mua bán”. Họ thà làm viên sỏi lát đường cho người nghèo đi cắt lúa hơn là có tên trên bia đá để phủ bụi thời gian.
12/10/2008 11:37 (GMT + 7) (
tuanvietnam.net
)

Con người có tính háo danh kỳ lạ. Cũng vì cái tính háo danh mà khối vị bị lừa để được tôn vinh, vinh danh. Ở Mỹ có cả một công ty kinh doanh cái chuyện “vinh danh”- công ty Academy. Chính công ty này đã từng lừa được một nhà khoa học của ta, khi đưa vị này vào chức danh “viện sĩ” trong Academy of science, làm vị này tổ chức ăn mừng 3 ngày liền! Cách lừa theo kiểu “Who is Who” cũng đã từng xảy ra nhan nhản! Chính vì vậy mà người ta sợ cái “Văn miếu đương đại” tổ chức nên có thể cũng để kinh doanh cái hư danh! Nghe đâu cái dự án này mới nhúc nhích, đã có vị tiến sĩ nọ đến đăng ký để được vinh danh tắp lự! Lại nhớ, cách đây vài năm có công trình về “các tiến sĩ VN” xuất bản bán chạy ầm ầm, vì vị tiến sĩ nào có tên trong ấy cũng mua vài cuốn để làm oai. Đó cũng là một cách vinh danh... trên giấy! Còn bây giờ là vinh danh trên bia đá - kiểu “tiến sĩ... đá”!
Vinh danh những nhà khoa học, nhà văn hóa có công với đất nước, với nhân loại thì nên làm, và nên chọn hình thức nào hợp lý, chứ chơi cái kiểu vinh danh đại trà thì chẳng có ý nghĩa gì!
Cụ Nguyễn Khuyến, đỗ “tam nguyên”- đại khoa - một nhà thơ ưu thời mẫn thế như vậy mà cũng “tự trào” về mình: Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ/ Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng, thì các vị tiến sĩ của ta cũng nên suy nghĩ kỹ trước khi nhập hộ khẩu vào “Văn miếu đương đại”!
TÚ CỐT (nguoilaodong
)


... Đó là cái mạch buồn riêng của đất nước nhà, âm thầm như dòng suối dưới nội cỏ, cái mạch buồn hiu hắt chảy trong sông, hay xa xôi theo dải đê đến tận chân trời. Cảnh của ta tuy nhiều nơi thật là đơn sơ, bằng phẳng, nhưng có vẻ riêng biệt cám dỗ chúng ta. Chúng ta tha thiết mến yêu có lẽ vì cảnh vật như một tấm gương, và chúng ta thấy chiếu vào trong đó hình ảnh và tâm hồn của chính chúng ta.
Chúng ta nghèo nàn, nhưng chúng ta biết sự nghèo nàn ấy. (Dọc đường - Thạch Lam)

... Vậy nên chuyện văn miếu với bia đá tiến sĩ hiện đại không chỉ là chuyện tốn kém, tiền nong và đất đai, cũng không chỉ sẽ là chuyện đấu đá khốn khổ và xấu xa để chen chân vào cái chốn lưu danh thiên cổ chắc chắn sẽ xảy ra ở một đất nước vốn chuộng hư danh này, mà còn là, trước hết là chuyện một nền văn hóa, tiếp tục và tăng cường văn hóa bằng cấp chăng? hay là kiên quyết bằng mọi cách châm dứt đi, chôn vùi đi, để có được một không khí văn hóa, tri thức lành mạnh, dễ thở hơn, văn minh hơn đôi chút.
Lưu giữ, bảo tồn tri thức ư? Tất nhiên là cần quá đi chứ. Nhưng cần kíp hơn, cấp bách hơn là tôn trọng thật sự trí thức ngay bây giờ, tạo điều kiện cho người ta làm việc, và sống, trước hết là tự do tư tưởng và sáng tạo. Hàng ngàn tấm bia đá không bằng không, nếu không thật sự có tự do suy nghĩ và sáng tạo cho người trí thức! (
NGUYÊN NGỌC- TIA SÁNG )

Ừ, thấy TRÒ, ngẩm ĐỜI, dưng không thấy mình ... nhỏ !

tphuong

Tuesday October 14, 2008 - 05:24pm

Không có nhận xét nào: