Ai cũng bận lo với Tết. Thì nhà nước cũng ... o cái Tết ! Chỉnh trang cái mặt đón tết. Việt kiều thăm quê lác mắt, à. Khách Tây ngưỡng mộ "ái chà", ồ ! Đã quá, đời sống văn minh quá, xe hơi chạy nào sợ ba gác quẹt, xiêm áo nào sợ vướng đổ thúng bánh tráng người ... du cư? Bởi văn minh đô thị phải cấm.
Chuyện “cấm đoán” và mỹ quan đô thị
04/01/2008 14:48 (GMT + 7)
Khi được hỏi về chuyện Hà Nội và TP. HCM sẽ cấm các gánh hàng rong, quán xá vỉa hè, xe ba gác, xe tự chế để chỉnh trang mỹ quan đô thị, chị Kikuchi (giáo viên Tiếng Nhật, đã sống ở Việt Nam 5 năm) nói: "Theo tôi, cái gây mất mỹ quan nhất của Hà Nội hiện nay là rác - đi đâu cũng thấy rác và bụi bặm..."
Đầu năm: chỉnh trang đô thị bằng biện pháp "cấm"
Những ngày đầu năm mới 2008 được mở ra bằng một loạt các “biển cấm” trong lĩnh vực giao thông và trật tự đô thị. Phập phồng lo âu là tâm trạng của rất nhiều người dân lao động nghèo dựa vào những phương tiện mưu sinh là các gánh hàng rong và những xe ba gác xe tự chế
OK, làm đẹp không sai, hướng đến điều phải đến thì trứơc sau gì cũng phải đến ! Mà hỏi, cái đẹp vì cuộc sống không - nếu cái đẹp chỉ của người "văn minh" ?
Ai cũng biết, với một đô thị văn minh, không ai muốn xuất hiện những hình ảnh nhếch nhác của đội ngũ những người bán hàng rong, xe ba gác tự chế..., nhưng bức tranh phố phường cũng sẽ thật đơn điệu nếu vắng đi tiếng rao, tiếng gõ “lốc... cốc”, “lách... cách” của những người bán hủ tíu dạo, bán bắp luộc, khoai nướng... hằng đêm...
Trong một lần trò chuyện với tôi, nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam nói: “Cái đẹp của Sài Gòn xưa nay là sự hòa quyện giữa vẻ hào nhoáng, sang trọng với cái sâu lắng, giản dị. Những ánh lửa le lói từ cái bếp than hồng của người bán hàng rong không chỉ làm cho đêm Sài Gòn nồng nàn chất thơ, mà nó còn thức dậy trong tâm khảm con người đô thị biết bao điều về nhân tình, ân nghĩa...”. (nguồn Vietnamnet)
Nhạc "GÁNH HÀNG RONG" Lê Quốc Dũng, ca sĩ Minh Tuyết (nghe)
Trên con phố khuya có một người đang bán hàng rong
Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi
Bao năm vẫn ngược xuôi lòng vui thấy con thơ mĩm cười
Mưa ơi thôi đừng rơi để mẹ về còn chút niềm vui
Ngày vui chóng qua chốn đôi thành rực rỡ phồn hoa
Còn đây bóng ai thân héo gầy oằn gánh trên vai
Cho con bao ngày vui mẹ cay đắng xót xa ngậm ngùi
Ôm con trong vòng tay mẹ quên hết bao nhiêu mỏi mệt ...
Với đôi gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi từng ngày
Khắc ghi mãi vào tim không phút nào quên
Có đôi gánh hàng rong tôi bước vào trong cuộc đời
Tiếng ru thuở còn trong nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi .
Tiếng ru thưở còn trong nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi : đó hình ảnh má tôi lội bộ ra chợ cầu Ông lãnh, vác mía về, đi bán rong lương thiện nuôi tôi làm người ! Ừ, phải đâu là chuyện trong mơ. Nay, nghe tin báo "bán hàng rong cũng có thể bị xử lý hình sự" thiệt là dữ dằn ! Hay chỉ là chuyện ... trời ơi ? À, phải "cấm tiệt" chứ "cấm, tịt" dân không sợ mất uy sao ? Học kinh nghiệm thành công đội nón bảo hiểm tiếng vang như mõ !
Hà Nội: Bán hàng rong cũng có thể bị xử lý hình sự
Chủ nhật, 13/01/2008, 17:44 (GMT+7) (nguồn TRANG NHẬT BÁO SGGP 12 GIỜ )
Ngày 24-1 tới, “Quy định quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội” sẽ có hiệu lực thực hiện. Theo đó, người bán hàng rong có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về thương mại và quản lý đô thị. ..
Phận "bèo" (giá cũng ... bèo) ráng cõng "bọt" (có bọt mới liếm láp được chớ) là thấy khổ ! Cái tờ giấy chứng nhận VSATTP ? Cơ quan cấp giấy an tòan vệ sinh thực phẩm phải nhân lực hùng hậu cỡ nào và chịu khó cỡ nào để thẩm tra thường xuyên đội quân hàng rong, có cầu coi chừng có ... sự ? Mà để làm gì, liệu dân có tin được tờ giấy chứng nhận đó ? Ôi, cái vụ lình xình nước tương nước chấm cũng chẳng y tế kiểm, nhà nước quản sao ? Cái ... tờ giấy, "bọt" (không phải "bạc") có tác dụng gì ?
Phận nghèo quang gánh hàng rong :
Dân hàng rong Hà Nội đang điêu đứng vì bị cấm còn ở Sài thành thì chạy đôn chạy đáo lấy giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP để đối phó
Ở TP.HCM, không ai thống kê được có bao nhiêu người kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Chỉ biết rằng hầu như đầu mỗi con hẻm, góc phố nào cũng có vài người buôn gánh bán bưng. Làm nghề này đa phần là dân nhập cư tứ xứ còn những người thành phố kỳ cựu thì "sang" hơn với một chiếc xe đẩy tự chế rồi chiếm lĩnh một góc vĩa hè bày hàng quán.
Bà Nguyễn Thùy Trang có thâm niên hơn 10 năm mưu sinh trên hè phố bộc bạch: “Tôi gốc Hóc Môn, cả nhà đều theo cách mạng. Trước đây nhà cũng có ruộng, có vườn nhưng có canh tác gì đuợc đâu. Trăm thứ cứ đòi tiền nên đất đai dần đội nón ra đi. Cả nhà chị 5 người dời về mua miếng đất ở khu "ổ chuột" phuờng 12, Bình Thạnh và từ đây mưu sinh bằng nghề bún ốc hè phố".
Đối với những người bán hàng rong như bà Trang, quy định xin phép chứng nhận đủ điều kiện VSATTP là cả một vấn đề. Bà Trang cho hay "bao nhiêu năm gánh bún ốc của tôi cả triệu người ăn có ai bị sao đâu. Điều đó đủ để chứng nhận bún ốc của tui đạt VSATTP cần gì phải xin nữa. Mấy ổng (Cục VSATTP) bắt phải có giấy thì mình nhờ cò làm giấy hộ - phải tốn tiền. Còn việc nấu nướng, bán buôn thế nào thì do mình, bán mà người ta ăn vào rồi đau bụng thì có mà chết đói. Đẻ ra cái tờ giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP chỉ để đối phó với nhau thôi!"
... Quanh chợ Tân Định còn nhiều người buôn bưng bán chạy. Vào chợ bảo vệ không cho, ra lề đường đội trật tự đô thị phường xua đuổi, rồi phải có thêm tờ giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP lận lưng để đối phó với ngành y tế...
Kiếm sống ra sao đang là câu hỏi lớn không riêng của những người cùng cảnh như chị Uyên. (Tấn Thuấn / Vietnamnet)
Tôi dám không tin, hay tưởng tượng được là lực lượng kiểm tra gặp người già, phụ nữ trẻ con thúng gánh, thẳng tay theo lệnh ? Thúng gánh đó, không phải chỉ một con người lam lũ, mà một gia đình chắc chắn phải là nghèo khổ. Anh ơi - anh chẳng có gia đình sao - xuống tay đi ?
Hàng rong Hà Nội vái lạy :"Cho tôi kiếm cơm!"
Giật thót trước dự định cấm tiệt của UBND TP.Hà Nội rồi lại bần thần nghe tin "Dứt khoát cấm bán rong trên phố chính", những người dân hàng ngày phơi mặt trên đường với xe đẩy, quang gánh đều xin: "Đừng để người cùng đinh thành cùng đường!". Công Thanh - Phạm Hải (Vietnamnet)
Nghe "cấm bán rong trên phố chính" tự hỏi là sao ? hiểu là còn cho bán trên phố ... phụ ; hoặc "cho xe tự chế chạy ban đêm" hiểu là ban ngày ... đi ngủ ! nghe ong ong cái đầu, chắc ta ngu dần đều theo thời cuộc ! Đợi luật chỉ chính xác "phố chính" "phố phụ" ("ông" nào chính "ông nào phụ, he he ? ) :
Hà Nội cấm hàng rong: Mù tịt "phố chính, ngõ không tên"
Hầu hết đường phố, ngõ hẻm ở Hà Nội đã được đánh số, đặt tên. Đâu sẽ là "ngõ phố không tên", nơi hàng rong được phép hoạt động theo chủ trương của UBND TP.Hà Nội? Cả người mua lẫn kẻ bán đều ngơ ngác...
Trong những ngày gần đây, không chỉ có người bán hàng rong mà rất nhiều người dân Hà Nội đang thắc mắc: Đâu sẽ là "Đường phố chính - Cấm hàng rong" và "Ngõ phố không tên - Hàng rong được phép mua bán" mà ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nêu ra khi trả lời những câu hỏi xung quanh chủ trương "Dứt khoát cấm hàng rong ở những đường phố chính và hàng rong chỉ được phép mua bán trong các ngõ phố không tên". (nguồn : xaluan.com)
Đúng đúng ngõ không tên còn chừa một cửa cho "thượng đế" ngồi ... chồm hổm. Người "cấp 4" nhà "cấp 4" (hoặc tệ hơn) mới cần cái gánh xôi thằng bờm, mới "khóai ăn sang" tức phải có thúng khoai ăn sáng chớ ...
Cấm hàng rong: “Bỏ đói” những nhu cầu bình dân
Một bà mẹ trẻ vừa bón cho con vừa góp lời: Bún rong thì có người bình dân ăn, vì không phải ai cũng đủ điều kiện mỗi sáng vào “Phở 24”. Chị ví dụ ngay mức sống của gia đình mình, hai vợ chồng công nhân, lương tháng chỉ trên dưới triệu đồng mỗi người thì chỉ có thể ăn bát bún 5.000đ, không thể bỏ 15.000-20.000đ cho một bát phở sáng.
“Xóa xổ” hàng rong, theo họ, với người có tiền chẳng ảnh hưởng gì, chỉ thêm nỗi vất vả cho người nghèo, cả người bán lẫn người tiêu dùng.
... Không chỉ đối tượng có khả năng mất nghề kiếm cơm “phát hoảng” với chủ trương xóa hàng rong mà rất nhiều những người tiêu dùng lớp dưới cũng lo phương án giật gấu vá vai khi buộc phải tính sang dùng những dịch vụ… vượt cấp địa vị của mình. Cả kẻ bán và người có nhu cầu thực sự đều đang chờ đợi sự cân nhắc của chính quyền vì “dân mình giờ vẫn còn nhiều người nghèo quá”!( Phương Thảo - Kim Tân )
Cấm hàng rong, người nghèo biết làm gì ?
Việc cấm hàng rong đã được một tuần,VnMedia nhận được nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ sự cảm thông với những người bán rong. Đâu phải họ muốn gây ách tắc giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, mà chẳng qua vì mưu sinh. Chính phủ chưa làm gì để giúp dân có được công ăn việc làm thì họ phải tự vận động thôi.
Khi ra lệnh cấm chúng ta có nghĩ tới hoàn cảnh của những người cùng khổ không? Tôi đã nhìn thấy có người bán hàng rong mà cả gánh hàng của họ chỉ đáng giá vài chục nghìn đồng.Tôi cũng nhìn thấy có chị để đứa con vài tháng tuổi ở cái nôi phía trước xe còn phía sau thì thồ hàng đi bán rong.Tôi nghĩ rằng họ cũng chẳng muốn lang thang bán hàng như vậy, chẳng qua họ cũng ở bước đường cùng để mưu sinh nuôi bản thân và gia đình.(long@hanoi.com)
Chính quyền đã không giúp gì cho dân, mà chỉ biết cấm : Chính quyền, đoàn thể đã không giúp gì được cho những hoàn cảnh như vậy, nay lại cấm nốt việc mưu sinh của họ thì họ còn biết trông cậy vào đâu?. Các chính phủ văn minh trên thế giới người ta rất chăm lo đến đời sống người dân, đằng này mình đã không có chính sách gì giúp người dân kiếm ăn, họ tự vận động thì mình lại cấm đoán. (Phí Văn Chung - Phương Mai, HN)
Cần phải có giải pháp lo cho đời sống người bán hàng rong thì lệnh cấm mới hiệu quả : ...ôi chỉ thấy có lệnh cấm mà không thấy biện pháp lo cho những người bán rong, phải chăng ra một lệnh cấm thì quá dễ, chỉ cần một quyết định, còn tìm giải pháp thì khó quá nên chính quyền lờ đi? (Dieplinh@yahoo.com)
Hãy giúp người nông dân làm giàu đi, họ sẽ không đi bán rong nữa : Muốn có văn minh đô thị không thể chỉ bằng ý chí chủ quan của người làm chính sách mà được. Tôi nghĩ khi xã hội phát triển, giàu có lên, người dân tự khắc sẽ văn minh ngay, tôi lấy ví dụ trước kia người thành phố phải nuôi gà, nuôi lợn ngay trong nhà để tăng thu nhập, (Đến giáo sư Văn Như Cương còn phải nuôi lợn trên nhà tầng, công an kiểm tra và phạt, giáo sư đề nghị ghi biên bản không phải là “ông Cương nuôi lợn” mà là “lợn nuôi ông Cương”), nay thì mấy ai còn phải làm thế nữa. Việc hàng rong cũng vậy thôi, khi người nông dân có thu nhập cao, chẳng ai còn phải lang thang tha phương cầu thực nữa. Hãy có những chính sách giúp nông dân làm giàu đi, chính phủ có làm được không? (Lương Bảo Anh - Thanh Xuân, Hà Nội)
Trên báo, người người nói nhiều rồi.
Nhắc lại, chị Kikuchi (giáo viên Tiếng Nhật, đã sống ở Việt Nam 5 năm) nói: "Theo tôi, cái gây mất mỹ quan nhất của Hà Nội hiện nay là rác - đi đâu cũng thấy rác và bụi bặm..."
Đây người trong cuộc : nhiều người còn ngơ ngác khi nghe nói về đề xuất “xóa sổ” hàng rong của thành phố. “Nếu cấm hàng thì chúng tôi chết dở, cả gia đình chẳng biết trông gì để sống. Mà công việc này, tôi nghĩ đều là làm ăn lương thiện cả, chẳng hại đến ai, nhà nước sẽ còn đau đầu hơn nhiều với những việc làm ăn phi pháp” - chị Nguyễn Thị Phượng (Lục Nam, Bắc Giang) bán hoa rong mạnh dạn nêu ý kiến. Kim Tân - Thái Anh (Ngã rẽ nào cho những cảnh đời… “rong”?)
Chị nói đúng quá. Chuyện phi pháp tỉ như "Cấm tham nhũng" cấm hết chưa , xử coi được chưa ? Rác rưởi quá, mắc cở không ? Khói bụi xấu mặt, tổn hại sức khỏe nhân dân không ? Đường xá cống rãnh ngập thúi không xấu "mỹ quan đô thị" à, xử ai ?
Nói thương cảm người nghèo nghe có vẻ bạc bạc ... vô duyên, tức mình dốt hèn chẳng biết làm sao ?
Thương sao người nghèo, có cái quần xà lỏn, cũng sống ?
tPhương