27 tháng 8, 2008

Một kỉ lục .. đáng sợ !

(*) Một kỉ lục Ghi-nét…đáng sợ Thứ bảy, 19/4/2008, 11:17 GMT+7 nguồn Vietimes
Chúng ta lại vừa chứng kiến những kỉ lục Ghi-nét mới của Việt Nam. Đó là kỉ lục bánh chưng thiu và bánh dầy mốc.
Hai chiếc bánh “kinh hãi” này lại được dùng như lễ vật để dâng lên trong Ngày giỗ tổ. Sự linh thiêng chẳng thấy đâu mà thay vào đó là nỗi buồn về những con cháu của Vua Hùng.
Những người làm những chiếc bánh này để làm gì? Để bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn tổ tiên mình chăng? Xin thưa các quí vị, lòng tôn kính và biết ơn đâu phải đo bằng khối lượng vật chất. Lại nhớ đến chuyện Lang Liêu, người con trai út của Vua Hùng khi dâng lễ Vua cha. Lang Liêu chẳng có bạc vàng châu báu như những người anh của mình mà chỉ có tấm lòng chân thực với mồ hôi nước mắt mà chàng đã sống và đã lao động không mệt mỏi trên đất đai của mình. Vua cha đã nhận thấy tình yêu sâu sắc và lòng tôn kính lớn lao của đứa con út nghèo khó mà chân thực nhưng đầy ý nghĩa. Người đã chấp nhận lễ vật đó. Và lễ vật đó đã trở thành sự linh thiêng hơn tất cả các giá trị vật chất khác.
Tôi biết Vua Hùng sẽ rất buồn khi nhìn thấy hai chiếc bánh lễ vật kia. Không những lễ vật ấy bị thiu, bị mốc mà còn được độn thêm mút xốp. Vua cha không hiểu vì sao con cháu của Người lại làm thế. Một cận thần bèn thưa: “Muôn tâu Thánh Thượng, lễ vật đó đâu phải để dâng lên Người mà là để quảng cáo cho tên tuổi của đám thần dân háo danh và hợm hĩnh đấy ạ”. Một cận thần khác thêm vào: “Dạ bẩm, cái đó bây giờ đám thần dân gọi là tự PR ”.
Tôi đã từng đi chùa và đến một vài đền thờ nổi tiếng. Tôi thấy người ta chen chúc nhau dâng lễ để xin những điều tốt đẹp cho họ. Có những người dâng lễ hàng chục triệu đồng và hơn nữa. Không ít người nói với nhau: lễ ít thì lộc ít. Tôi đã chắp tay trước các Thần Phật mà thưa rằng: Nếu lễ vật của con vì quá ít ỏi và nhỏ bé mà các Ngài không chấp nhận lời cầu xin của con thì không bao giờ con còn tôn thờ các Ngài nữa. Vì như thế thì các Ngài cũng giống như những kẻ tham nhũng đang sống mà thôi. Nói như vậy, tôi đã xúc phạm Thần Phật, nhưng Thần Phật cũng phải hiểu rằng: sự nổi giận của tôi chính là hành động bảo vệ sự linh thiêng của các Ngài.
Hai chiếc bánh lễ vật thiu và mốc kia nếu chia cho lộc cho những người đến dâng hương trong Ngày giỗ tổ thì mọi người phải thụ lộc. May mắn đâu không thấy có khi lại dính tả khuẩn lúc này đang có nguy cơ hoành hành trong cả nước. Đấy là chưa nói đến sự nổi giận của Vua cha. Nếu Vua cha nổi giận thì muôn dân sẽ như thế nào đây? Rồi Vua cha sẽ nghĩ như thế nào khi cắt bánh lại thấy mút xốp ở trong? Mà nếu theo tiêu chuẩn của kỉ lục Ghi-nét thì chiếc bánh dầy kia không được chấp nhận vì đã “ăn gian”. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến những nến điện, nhang điện và hoa quả nhựa trên ban thờ của không ít gia đình. Việc đốt một ngọn nến, thắp một nén nhang và đặt những trái cây thơm thảo để dâng lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một hành động của tâm linh. Hành động ấy tạo nên một không khí ấm cúng, thiêng liêng và xúc động của người còn sống. Chính không khí ấy tạo cho người còn sống một tình cảm đẹp và một ý thức uống nước nhớ nguồn. Và khi con người luôn mang trong lòng mình những điều ấy thì họ sẽ làm được những điều tốt và gặp được những điều tốt trong cuộc đời mình. Việc dâng lễ lên Vua cha trong ngày giỗ tổ cũng vậy.
Trong thời kinh tế thị trường, chúng ta phải chứng kiến biết bao kỷ lục Ghi-nét. Hầu hết những kỉ lục Ghi-nét ấy không phải là sự thăng hoa của sáng tạo hay sự kỳ diệu trong cuộc sống mà là thái độ chơi trội đầy tính trọc phú. Những kỉ lục Ghi-nét như cái bành dầy, bánh chưng kia chẳng mang lại cho cuộc sống này bất cứ một ý nghĩa nào cả ngoại trừ sự kệch kỡm, háo danh, mất vệ sinh và đôi khi vô lễ với Tổ tiên và Thánh thần. Để nhắc lại sự tích bánh chưng, bánh dầy và để bầy tỏ lòng tôn kính và biết ơn Vua cha dựa trên sự tích này, tại sao người ta không nghĩ ra một hoạt động khác sống động và văn hóa hơn. Ví dụ người ta có thể tổ chức một lễ hội bánh chưng, bánh dầy ở một làng gần Đền Hùng. Lễ hội tạo dựng lại không khí làm hai loại bánh sự tích này theo cách truyền thống rồi cùng nhau thực hiện nghi lễ dâng bánh lên Vua cha. Có thể làm một đám rước bánh chưng, bánh dầy từ một ngôi làng gần đó lên Đền Hùng như một cuộc hành hương thì đẹp, xúc động và ý nghĩa biết bao.
Nhưng làm như thế thì những người háo danh và muốn quảng bá cá nhân mình hay công ty của mình làm gì có cơ hội để thiên hạ phải để ý đến mình. Khi lòng tốt, sự dâng hiến và đức tin phải cần được quảng cáo cho bàn dân thiên hạ biết thì làm gì còn lòng tốt, làm gì còn sự dâng hiến và làm gì còn đức tin. Nếu cứ đà làm kỉ lục Ghi-nét như thế này thì Việt Nam sẽ còn phải chịu đựng những kỉ lục Ghi-nét gì nữa đây? Cái kỉ lục Ghi-nét của chiếc bánh dầy kia chẳng ghi được bất cứ kỉ lục Ghi-nét nào trong sự tôn nghiêm và văn hóa của người Việt nếu không muốn nói nó đã ghi được một kỉ lục Ghi-nét mới: Ghi-nét xấu hổ với Tổ tiên. Nguyễn Quang Thiều (Vietimes)


Lời BẤT bình : ... KINH !
"Không những lễ vật ấy bị thiu, bị mốc mà còn được đệm thêm mút xốp" ! Ai được hưởng - không nói hưởng ... nhang khói nhá, hưởng LỢI vào đây ? Điều giả dối được xem là bình thường, hay người ta biết ... đón ý Tổ tiên lúc nào cũng mong cho con cháu ... ĂN, ĂN, ĂN ... được !
tPhương

Không có nhận xét nào: