02 tháng 1, 2008

Gia + Long

(photo Nguyen dang Thai)



(phần tiếp : Ăn Trái Nhớ Kẻ Trồng Cây - Ts. Gs. Lê đức Phúc Hạnh Phúc - đăng trong Gia Long Hạnh Ngộ (Đại hội Thế giới Kỳ III) 2007, nam Cali)
Một điều lý thú mà tôi được biết qua bài viết không phải chỉ "lịch sử các cây mít trường" mà còn là tên trường Gia Long như một từ ghép của Gia định và Thăng long ? Ừ, hay ! Cái tên gọi ý nghĩa chợt dưng lùa dậy cơn sóng cảm động nào làm tôi yêu mến lịch sử ngôi trường thân thương hơn nữa ! Xin mời bạn cùng đọc :

... " Các cô nữ sinh nội trú Gia Long đã ra đi, đã rời khỏi ngôi trường Gia Long thân yêu để tiếp tục cuộc hành trình mới, mang theo bao kỷ niệm êm đềm, bao nhiêu chuyện vui buồn của "cuộc đời nữ sinh nội trú Gia Long", nhưng các cô đã vô tình không mang theo những cây mít mà mình đã vô tình trồng lên hay các cô đã vô tình hoặc cố ý trao lại cho đàn em mà họ cũng vô tình không quan tâm đến chúng. Các bồn hoa xinh đẹp không còn nữa, các bồn hoa đã tan biến theo năm tháng, theo thời gian, còn lại những cây mít lẻ loi như bị các cô nữ sinh Gia Long bỏ rơi, chơi vơi giữa dòng thời gian ; niên học này qua thì niên học khác đến, những cây mít vẫn còn đó, dù đã già cỗi theo thời gian, nhưng vẫn còn cho nảy sinh ra nhiều trái mít chín thơm ngon ngọt ngào mà đàn em được thưởng thức, khen ngợi ai đã vô tình trồng lên những cây mít này. Thưởng thức múi mít thơm ngon mà không nhớ đến kẻ vô tình trồng cây mít thì thật là bất công và buồn cho "kẻ trồng cây"
" Mỗi lần nhớ trường Gia Long, nhớ mái trường thân yêu, nhớ lớp học, nhớ lúc còn đứng trên bục giảng, đứng trước bảng đen, đứng trước các cô nữ sinh Gia Long ngây thơ và hồn nhiên, nhớ những tà áo dài phất phơ trong giờ ra chơi, đi dạo trên đường Catina (con đường từ cổng trường vào thẳng hồ bơi và thư viện) hoặc lang thang trên đại lộ Lê Lợi (con đường có cây mít lớn ngang trước phòng Hiệu Trưởng và phòng Giám Học) tôi lại tìm cớ vào thăm trường. Đi qua văn phòng học vụ, phòng Hiệu Trưởng, nhìn những cây mít tuy đã già cõi, nhưng cành lá vẫn còn xanh tươi, nhìn những trái mít trên cành tôi lại liên tưởng đến hình bóng những cô nữ sinh Gia Long đang chạy lúp xúp chung quanh sân trường trong giờ thể dục, tay móc túi cầm các hột mít liệng vào các bồn hoa xinh đẹp, mặc dù không biết các cô nữ sinh Gia Long nào đã vô tình trồng lên những cây mít to lớn, cành lá xanh tươi, cho nhiều trái mít chín thơm ngon và ngọt ngào như vậy. Nghĩ đến đây tôi không sao ngăn nổi xúc động, tâm hồn tôi cảm thấy như đang sống lại những ngày dưới mái trường Gia Long thân yêu, nhớ lại những giờ giảng dạy, nhìn những mái tóc thề Gia Long đang miệt mài trên những trang giấy, trên những quyển sách, sống lại những kỷ niệm vui buồn cùng các cô nữ sinh Gia Long hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng như những hạt sương mai. Tôi cũng còn nhớ lại hình ảnh các cô nữ sinh Đệ Nhất (lớp 12) ôm nhau khóc khi phải rời khỏi mái trường, lớp học thân yêu để bay xa đến những phương trời vô tận, tạo lập cuộc đời mới như những cánh chim con đã đủ lông đủ cánh "ra ràng" sắp bay xa lìa tổ ấm. Tôi cũng còn nhớ lại trong nhiều niên học, cuối năm học đã đứng ra làm " Thầy chẩn tế", đọc "sớ", đọc họ và tên tuổi các cô Đệ Nhất Gia Long, cúng "Tổ các Quan", cầu nguyện "Các Quan" phù hộ cho tất cả nữ sinh Đệ Nhất Gia Long gặp nhiều may mắn, thi Tú Tài đỗ nhiều, đỗ cao và cầu xin cho các cô được xuất ngoại du học, sau này trở về quê hương, quê cha đất tổ xây dựng đất nước. Có lẽ bây giờ khi các cô cự nữ sinh Gia Long đọc lại câu truyện này, chắc các cô cũng không sao quên được những kỷ niệm êm đểm trải qua từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Nhất dưới mái trường Gia Long yêu quý ; chắc các cô không bao giờ quên các Thầy Cô, các bạn cũ đã cùng mình chia sẽ những vui buồn của cuộc đời " Nữ sinh Gia Long" và chắc các cô cũng nhớ lại đã cùng các bạn chia cho nhau những trái me chua, những trái mận chát, những múi mít chín thơm ngon ngào ngạt ... và chắc chắn những kỷ niệm này không bao giờ phai mờ trong tâm hồn mình, dù mọi người "Nữ sinh Gia Long" có người đã ra đi vĩnh viễn, có người đã hơn hai phần ba cuộc đời, có người tóc đã bạc phơ, nhưng bây giờ vẫn còn luyến tiếc cái thời "Nữ sinh Gia Long" xa xưa đó.
" Bao thế hệ đã đi qua, bao thời gian năm tháng đã trôi qua, những thế hệ Gia Long đã tuần tự và lần lượt ra đi và mãi mãi ra đi, nhưng ngôi trường Gia Long thân yêu và cổ kính, mặc dù đã thay tên đổi họ, trong hàng chữ "Lycee Gia Long" đã bị làm sơn vàng trộn lẩn ciment che lấp và phủ kín, nhưng hình tượng Gia Long vẫn tồn tại. Lycée Gia Long vẫn còn đó, mãi mãi Gia Long vẫn in sâu trong tâm khảm, trong tâm hồn các cựu nữ sinh Gia Long ; Gia Long không bao giờ phai mờ trong ký ức của mọi người, dù là cựu nữ sinh Gia Long, dù chưa một ngày là cựu nữ sinh Gia Long. Mỗi lần đi qua trường cũ Gia Long, dù đã thay tên đổi họ, nhưng lòng người vẫn mãi mãi nhớ đến hai chữ "Gia Long", nhớ đến ngôi trường Gia Long thân yêu và cổ kính, kết hợp hai thành phố Gia Định và Thăng Long, chữ đầu của Gia Định, chữ cuối của Thăng Long, đánh dấu sự thống nhất của đất nước việt Nam yêu dấu, đánh dấu cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam trên dòng lịch sử, và cũng không thể không nhớ đến những cây mít xanh tươi trong sân trường do các nàng cựu nữ sinh nội trú Gia Long đã vô tình trồng lên.

" Nếu những ai trong các nàng cựu nữ sinh Gia Long, dù nội trú, bán trú hay ngoại trú, dù còn ở trong quốc nội hay sống ở quốc ngoại, dù bay xa về các phương trời xa xôi vô tận cách xa ngàn dặm, hoặc lưu lạc trên chốn đất khách quê người, nếu còn nhớ quê cha đất tổ, nhớ quê hương yêu dấu, trở về thăm cố quốc, thăm người thân, thăm thầy cô cũ, thăm bạn bè còn ở lại thì cũng đừng quên ghé thăm ngôi trường cũ Gia Long thân yêu và cổ kính, thăm lại lớp cũ trường xưa, nơi mà mình đã miệt mài đèn sách cùng thầy cô, cùng bạn cũ qua bao năm tháng và cũng đừng quên thăm lại, nhìn lại sân trường Gia Long luôn luôn có "Tiếng quốc vang" với bóng mát của những hàng cây cổ thụ tỏa bóng khắp sân trường, với những cánh phượng "hoa học trò" tươi đỏ chào đón mùa hè vui tươi đỏ thắm như các nàng nữ sinh Gia Long hồn nhiên, nhí nhảnh, trong sáng như những giọt sương mai đầy nhựa sống : cũng đừng quên thăm lại khu nhà chơi chen chúc nhau, tận hưởng hơi ấm trong những chiều mưa ; thăm lại hồ bơi Gia Long với làn nước trong veo xanh biếc mà mình đã bao lần tung tăng bơi lội cùng các bạn, ngâm mình dưới làn nước mát Gia Long trong xanh trong các giờ tập bơi ngoại khóa và cũng đừng quên chậm rãi bách bộ trên "Đại lộ Catina", con đường dẫn từ cổng trường Gia Long đến tận hồ bơi và thư viện ; thăm bệnh thất mà đã nhiều lần mình bị cảm sốt, nhức đầu, chóng mặt cùng bạn bè vào nằm dưỡng bệnh trong các giờ học ; thăm lại thư viện Gia Long với bao sách hay sách quý mà mình đã cùng các bạn vào đọc sách trong các giờ Thầy Cô vắng dạy ; cũng nên đi qua "Đại lộ Bonnard" con đường có hàng cây mít xanh tươi, song song trong khung cảnh bình hành với đại lộ Phan Thanh Giản ở phía ngoài cổng trường Gia Long ; nhớ lại những giờ ra chơi, những lúc tan học vui vẻ và rộn ràng như "Đàn ong vỡ tổ" ; nhớ lại nhũng hình bóng của các nàng cựu nữ sinh nội trú Gia Long đang chạy lúp xúp quanh sân trường trong các giờ thể dục, trong các buổi ban mai đã vô tình trồng lên những cây mít xanh tươi, dù đã trải qua bao thế hệ Gia Long, dù đã già cỗi trở thành những cây cổ thụ, nhưng đến mùa vẫn đơm hoa kết trái, vẫn cho ra những trái mít chín tỏa mùi hương thơm ngào ngạt và nếu may mắn gặp mùa mít chín, mình vào thăm trường cũ Gia Long, được mời thưởng thức những múi mít chín thơm ngon thì cũng đừng bao giờ quên những người đã vô tình, những nàng cựu nữ sinh nội trú Gia Long đã vô tình trồng lên những cây mít, đã vô tình vĩnh viễn ra đi và mãi mãi không bao giờ trở lại thăm viếng và săn sóc, bỏ mặc những cây mít già cỗi đứng bơ vơ, cô đơn và trơ trọi với thời gian.
" Chúc các cô cựu nữ sinh Gia Long luôn luôn vui vẻ, trẻ đẹp, yêu đời hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Có được tâm nguyện mà tôi đã thường nhắc nhở các cô nữ sinh Gia Long trước khi xa lìa lớp cũ, xa lìa khỏi mái trường Gia Long thân yêu là : " Dù bay xa về mọi phương trời vô tận, mình cũng đừng bao giờ quên Quê Cha Đất Tổ và nếu mình có làm nên sự nghiệp thì cũng đừng bao giờ bỏ rơi các bạn đồng hành !" và " Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây".
Ts. Gs. Lê đức Phúc Hạnh Phúc (Đặc san Gia Long Hạnh Ngộ 2007, nam Cali)

Không có nhận xét nào: