Tối qua thức gần sáng nói chuyện với người bạn Trưng Vương, vẫn còn bao cảm xúc ! mừng gặp bạn lòng như con trẻ !
Rồi sáng nay, thêm một cú bồi, gặp người bạn thân - đã xa tưởng... tận cùng"ngóc ngách" Sàigòn chắc- nên đến tận nay mới gặp ! Khà, cùng đinh dòng kinh Nhiêu Lộc, thằng Bến Tắm Ngựa đứa Xóm Lách vài hẽm bước qua ... mà bước đến những 40 năm, ôi, nghe là thấy ... bụi đời phiêu bạt !
Trần gian, phải trần gian rộng cho nhân gian ... kín để còn đụng mặt gặp mừng ? Phương B phải không ? sao đến giờ mới gặp ? Bạn đếm 40 năm có lẽ, từ mùa xuân ...
By gvphuonga
mùa xuân đến rồi đó Phương
sách đèn như gươm giáo
bút mực như chông hào
người tình như phù thủy
tuổi chiến vừa bay cao
(bùi chí vinh)
Cái thời chúng ta, tuổi trẻ chúng ta ịn dấu vậy đó - như là "tiên tri" trí mạng ! Cái trường chúng ta nhỏ mà ngước lên cũng Người, ngó thẳng cũng Người, đầy Người tự hào, những người thầy ngời đẹp dạy ta mọi thứ trên đời : vẽ tô bóng nổi, cất tiếng ca đời, dạy ta "ngửi" tóan, dạy ta khạc thơ, dạy ta giáo dục công dân ... biết nghĩa biết tình, sống !
Vẫn giống y đêm qua nói chuyện, kỷ niệm cứ tuôn trào cuốn ra từng chi tiết, hút ra đến tận cùng chân tơ kẻ tóc, ọc ọc như thác say sưa ... là say !
Tin nổi không , chắc nhân gian có duyên có nợ có tình, nên bên trời này Phương B -Chí Vinh đang nhắc kỷ niệm xưa thì bên trời tây, cùng lúc bạn Thứ của tôi xua kỷ niệm về bằng một email ... trúng lúc đến lạ kỳ ?
Nhận được thư của bạn bè thì vui thật nhưng cứ hay mất ngủ, bao nhiêu kỷ niệm như những đợt sóng dồn dập theo nhau xô về, nhiều khi thao thức suốt đêm chưa nhớ hết chuyện này đã nối sang chuyện khác. Theo như thư vừa rồi của Nga thì bạn Phương nhà mình không có phần trong việc sao chép lại Công Viên Lá Vàng, bao nhiêu credit đều về cả bạn Nga, điều này càng làm tăng niềm khâm phục của Thứ đối với bạn Nga. Cho Thứ hỏi thêm “cô Phương” câu này: Bài CVLV viết về một ngôi trường nữ đối diện Sở Thú chẳng có bà con họ hàng thân thuộc gì với ngôi trường nữ có chùa Xá Lợi bên hông của bạn mà tại sao bạn lại có ấn tượng sâu xa với nó đến như vậy? Nếu vì lý do “thầy Phương” đã nương náu thời gian dài tới … một niên học ở ngôi trường nam bên cạnh thì coi như câu trả lời của bạn có thể tạm chấp nhận được. Ngoài CVLV, bài nhạc này (hình như cũng được in trong giai phẩm Xuân “Đôi chín” của 12B1 VTT niên khóa 72-73) mới là cái bài dành cho bạn N đây :
Sáng qua nghỉ hai giờ đầu
Hơi buồn, bọn anh theo, theo con đường dẫn đến Gia Long
Lũ chúng anh dựng xe lề đường
Nhìn mây, nhìn cây, nhìn em đi qua
Lá la là, lá la là, là la lá la
(Điệp khúc)
Anh làm ông cụ non, bạn anh làm “anh cụ già”
Ngắm hoa rồi khen hoa hàm tiếu
Hoa đẹp như tiên nga
Lá la là, lá la là, là la lá la
Sáng nay nghỉ ba giờ đầu
Vẫn buồn, bọn anh theo, theo con đường dẫn đến Gia Long
Lũ chúng anh dựng xe lề đường
Nhìn mây, nhìn cây, nhìn em đi qua
Lá la là, lá la là, là la lá la
(Điệp khúc)
Sáng mai nghỉ “năm” giờ đầu
Sẽ buồn, bọn anh theo, theo con đường dẫn đến Gia Long
Lũ chúng anh dựng xe lề đường
Nhìn mây, nhìn cây, nhìn em đi qua
Lá la là, lá la là, là la lá la
(Điệp khúc)
Về CVLV thật ra bạn N nhớ như vậy là đầy đủ lắm rồi, T có đủ “lòng tốt” và dĩ nhiên vẫn còn nhớ có thể chép lại để thỉnh thoảng bạn N hát nho nhỏ vào “lưng” P, nhưng bao nhiêu cái “tinh tuý” đã nằm cả vào trong mấy câu đầu của bài hát, phần còn lại có những đoạn hơi gượng ép hoặc lặp đi lặp lại đến độ ngô nghê chứ không buồn cười như bài “Nghỉ hai giờ đầu” ở trên, một ngày học tối đa chỉ có năm giờ mà anh nghỉ mất “năm giờ đầu” thì còn giờ nào là giờ cuối cho anh học nữa !
Năm đệ tứ TL, Bùi chí Vinh (bút hiệu Chính Vi) đầu têu đã cùng với Ngô đình Hải, Vũ hào Hiệp và T thành lập “Thi văn đoàn” Hồn Trẻ (T không chắc lắm về cái tên). Vinh nắn nót mấy chục bài thơ của 4 “thi sĩ cóc nhái” trong cuốn vở mới đưa lên cho thầy Đỗ Quý Toàn “duyệt” và nhờ thầy làm “cố vấn tinh thần” cho TVĐ. Mấy hôm sau thầy gọi 4 thi sĩ nhi đồng trong giờ nghỉ để phán cho vài câu cố vấn, T chỉ nhớ đại khái như “Đa số những bài trong đây ... nhiều chỗ cố ý phá niêm luật không cần thiết …” Nghe thầy phán xong T thầm nghĩ Quả là lời bình xác đáng của một “đại thi sĩ” (thời đó thầy đã có Mùa Xuân Yêu Em được “đại nhạc sĩ” Phạm Duy phổ nhạc và “đại ca sĩ” Lệ Thu trình bày trên băng nhựa rồi), trong bọn chỉ có Vinh lầu bầu khi về chỗ ngồi “Ít nhất thơ tụi em không có những câu như… có con bò nó kêu bò bò rồi nó ăn cỏ … như thơ của thầy” thì Ngô đình Hải chớp ngay được cơ hội “Có, trong thơ mày có câu … có con dê nó kêu be be rồi nó chạy té …” Vậy mà Thi Văn Đòan cũng có khá nhiều “thi phẩm” rải rác trên báo Thời Thế (T cũng không chắc lắm về tên báo) đủ để chiêu dụ được một số mầm non lẫn mầm nhỡ nhỡ nam nữ khắp nơi gia nhập hưởng ứng, Bài thơ đầu tiên đăng báo T khoe với XP(em gái) thì được XP tỉ mỉ cắt ra từ tờ báo rồi “khen” cho một câu “Đã gửi thơ đăng báo còn để tên thật … quê một cục !!”
Cú bồi thứ ba này "knock out" Phương B , ngất ngất ...
còn lại
phươnga
xúc động đọc "Thơ Tình" Chính Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét