Sân nhà có mít. Sân trường cũng có mít, mít ... cổ thụ ! Đến trường gặp mít, về nhà gặp mít. Và Mít trong lòng tôi như một biểu tượng tuy xấu ... vỏ mà rất đẹp ... ruột. Ăn cũng chia đều được ... từng múi với nhau, hưởng hương hoa cùng cả xóm cả trường, lửng lừng mùi mít chín ....
Entry này là hồi 2 của loạt bài "Nhà có cây mít vàng, trường có cây vàng mít". Xin nhờ và xin phép Ts. Gs. Lê đức Phúc cho tôi được trích lại nguyên văn "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" cho các em học trò MK tôi tỏ tường "sự tích cây mít trường mình", và cám ơn người bạn Trưng Vương thân qúy đã tặng tôi tập Gia Long Hạnh Ngộ (Đại hội Thế giới kỳ III) 2007 ờ nam Cali nhờ đó tôi đọc được bài viết thú vị này.
Entry này là hồi 2 của loạt bài "Nhà có cây mít vàng, trường có cây vàng mít". Xin nhờ và xin phép Ts. Gs. Lê đức Phúc cho tôi được trích lại nguyên văn "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" cho các em học trò MK tôi tỏ tường "sự tích cây mít trường mình", và cám ơn người bạn Trưng Vương thân qúy đã tặng tôi tập Gia Long Hạnh Ngộ (Đại hội Thế giới kỳ III) 2007 ờ nam Cali nhờ đó tôi đọc được bài viết thú vị này.
" Hàng năm vào khoảng tháng năm, tháng sáu của Đệ nhị lục cá nguyệt của niên học, mỗi lần chuông reo báo hiệu giờ ra chơi của các nữ sinh Gia Long, các thầy cô về phòng giáo sư của trường Gia Long để nghỉ giải lao sau các giờ giảng dạy. Mới đi qua phòng giáo sư, tôi đã nghe mùi thơm của mít chín tỏa ra làm cho tôi chịu không nổi và tôi bị cuốn hút bởi mùi thơm của các múi mít. Vào phòng giáo sư, tôi được chị Giám học Huỳnh Thanh Nhạn và chị phụ tá Giám học Nguyễn Ngọc Ánh vui vẻ mời các thầy cô và tôi dự tiệc "Mít chín Gia Long". Tôi thấy các dĩa mít đã được bóc ra từng múi chín vàng óng rất đẹp và rất thơm đặt la liệt trên các bàn trong phòng giáo sư.
" Các anh chị giáo sư vừa ăn mít vừa trò chuyện rất vui vẻ và chẳng bao lâu các đĩa mít trên bàn đã vơi dần. Người nào cũng khen mít chín thơm ngon, mùi thơm rất đặc biệt, ăn vào phải ngậm mà nghe để thưởng thức sự ngọt ngào ngon thơm của mít. Chị Giám học Huỳnh Thanh Nhạn vừa cười vừa bưng dĩa mít đưa lên cao và nói : " Đố các anh chị giáo sư biết ai đã trồng các cây mít có trái thơm ngon như thế này không ? Ăn mít thơm ngon thì cũng phải phải nhớ đến người trồng cây mít chứ". Tôi và các anh chị em giáo sư vẫn còn bỡ ngỡ về câu hỏi của chị Giám học (đã quá cố). Không ai biết, nên không có câu trả lời, chị Giám học nói : " Anh chị có biết không ? Có biết ai đã trồng các cây mít ngon đó không ? Anh chị hãy nhìn phía trước văn phòng học vụ, phía bên phải phòng Hiệu Trưởng có cây mít lớn, nặng trĩu những trái mít chín thơm tho đó là do các cựu nữ sinh nội trú Gia Long trồng đó. Nhờ các cựu nữ sinh nội trú Gia Long vô tình đã trồng lên các cây mít đó mà bây giờ, hàng năm có nhiều trái chín và chúng ta thưởng thức được những múi mít vàng óng ngọt ngào và thơm ngon như thế này." Chị Giám học chưa nói rõ nguồn gốc các cây mít do các cựu nữ sinh nội trú Gia Long đã trồng như thế nào, câu chuyện chưa kết thúc thì chuông đã reo báo hiệu giờ vào học, nên câu chuyện " Nữ sinh nội trú Gia Long trồng các cây mít" đành phải gác lại.
" Các anh chị giáo sư ra khỏi phòng, mỗi người đi về một hướng đến lớp mình tiếp tục giảng dạy mà người nào cũng thắc mắc tự hỏi làm sao mà các cựu nữ sinh nội trú Gia Long trồng được các cây mít có trái thơm ngon như vậy. Và câu chuyện này làm tôi tò mò và sau đó tôi đi tìm hiểu về các cây mít ngon của trường Gia Long. Câu chuyện như thế này : các cựu nữ sinh nội trú Gia Long "bị nhốt" trong trường suốt cả tuần lễ, ngoài việc lo miệt mài đèn sách, học hành, mọi hoạt động khác từ bữa ăn, giấc ngủ, vui chơi, giải trí v.v... đều phải tuân theo nội quy của trường một cách có thể nói là khắc khe. Do đó các cô luôn trông cho thời gian trôi mau, trông mau cho đến ngày thứ bảy để được "sổ lồng", được ba má đón về sống với gia đình, được hít thở cái không khí tự do. Thôi thì tha hồ vùng vẫy, tha hồ bay nhảy, tha hồ đi chơi, đi thăm viếng ; đi chợ, đi phố mua sắm, ăn uống cho thỏa thich và mua sắm những thứ cần thiết cho tuần lễ sắp đến ; vì chỉ có ngày chủ nhật thôi, khoảng bốn hay năm giờ chiều phải nhập trường, do đó các cô tận dụng triệt để thời gian tự do của ngày chủ nhật. Con gái, nữ sinh thì thích ăn các loại trái cây, như me, xoài, ổi, mận, nhất là gặp mùa mít chín thơm ngon, làm sao bỏ qua và quên những thứ trái cây chua chua, ngọt ngọt này được. Cứ ăn một bụng no nê cho khoái khẩu đã, khỏi cần ăn cơm cũng chả sao, ăn một bữa nhịn cả tuần cũng được ; và nhớ lại những ngày nội trú trong trường, thèm một trái me chua, một múi mít chín, một quả mận, một trái ổi v.v ... thèm đến chảy nước miếng mà không làm sao có được. Còn nếu gặp may được bạn bè cho trái me chua hay múi mít chín thì cũng phải thu dấu và phải chia đều cho các bạn cùng lớp và nếu bị các bà giám thị bắt được thì "đời tàn" rồi, chủ nhật tới sẽ bị cấm túc, không được về thăm ba má và gia đình. Các bà giám thị thì luôn luôn canh chừng, luôn luôn nhòm ngó như "cú rình nhà bệnh", mọi cử chỉ, mọi cái nhìn, mọi dấu hiệu truyền cho nhau đều không lọt qua khỏi cặp mắt của các bà giám thị. Thôi thì cứ ăn cho thật nhiều, ăn cho "đã" cái miệng và tìm đủ mọi cách đem me, mít, ổi, mận v.v ... vào trường để ăn cho đỡ thèm trong các ngày thứ hai, thứ ba ... Các cô nữ sinh nội trú Gia Long cũng tìm đủ mọi cách đem được các loại trái cây vào trường nhờ dãy trường ở bên đường Trương Công Định thấp. Một số vào trường trước, chia nhau canh chừng các bà giám thị, một số ra dấu hiệu cho các cô ở ngoài chuồi các gói trái cây vào. Đem trái cây vào được rồi, nhưng còn vấn đề cất và thu dấu những thứ đó thì rất khó, vì mùi thơm của trái cây chín tỏa ra rất dễ bị phát giác, nhất là mít chín thì lại càng khó thu dấu hơn nữa. Loay hoay mãi và cuối cùng thì các cô nữ sinh nội trú Gia Long cũng che dấu được bằng cách gói và bao nhiều giấy, vì thời đó chưa có bao ny lông, để cho mùi thơm của trái cây, nhất là mùi mít chín không tỏa ra. Các cô chia nhau cất giấu dưới nệm giường rất kín đáo và chờ đến mười giờ đêm mới đem ra chia nhau dự tiệc trái cây. Các bà giám thị cũng không ngờ các cô nữ sinh nội trú Gia Long khôn ngoan như vậy. Nhưng khôn mà không gian : cái tuổi nữ sinh có nhiều cái ngớ ngẩn đến ngây thơ và dễ thương như thế. Đem mít chín vào lớp vào trường các cô đã biết bóc ra từng múi, nhưng cái ngớ ngẩn là không biết lây hột ra mà cứ để nguyên trong múi mít. Tối đến, chờ lúc các bà giám thị quan sát xong, trở về phòng đi ngủ; lúc này các cô nữ sinh nội trú Gia Long vùng dậy, trong mùng mền, tung "ra" lên và mọi người bắt đầu lấy các của quý ra chia nhau ăn nữa. Các cô cũng khôn lắm, luôn luôn phân công hai người ngồi canh cửa coi chừng các bà giám thị ở hai phòng đầu và cuối phòng ngủ của nữ sinh, để phần trái cây lại cho hai người này ăn sau và cứ luân phiên hàng tuần hai người này rồi đến phiên hai người khác; nếu có động tịnh gì thì hai người này ra hiệu bằng cách ho hai tiếng là tất cả mọi người rất nhanh, lẹ làng đâu chạy về chổ đó nằm giả như ngủ say ; nếu các bà giám thị vào phòng quan sát thì cũng không thấy có gì xảy ra và tin là các cô nữ sinh nội trú Gia Long của mình đang ngủ thật, nhưng các bà đâu có ngờ rằng chúng đang giả vờ ngủ say mà miệng đứa nào cũng đang ngậm đầy me chua và mít chín.
" Ăn xong, còn lại cả đống hột me và hột mít, mà các hột me thì nhỏ có thể thủ tiêu được, nhưng còn các hột mít thì quá lớn làm sao để thủ tiêu và phi tang đây, thật là nan giải. Bỏ vào bàn cầu tiêu dội nước cũng không xuống được, vì các hột mít to và nặng, một vài hột thì hy vọng dội nước chúng có thể lọt xuống được, nhưng nhiều hột thì khó có hy vọng dội nước chúng lọt qua. Cuối cùng thì các cô cũng nghĩ ra một cách để phi tang đống hột mít đó : các cô chia đều đống hột mít cho mọi người, và bỏ các hột mít đó vào túi quần short mặc tập thể dục trong buổi sáng, khi xuống tập thể dục thì lợi dụng sự lơi lỏng quan sát của các bà giám thị và các giáo sư thể dục và lúc đó mạnh người nào người đó lo tự thủ tiêu phi tang các hột mít trong túi của mình. Khi tập thể dục thì các cô nữ sinh phải chạy quanh sân trường hai hay ba vòng ; trong sân trường có nhiều bồn hoa hình tròn, hình oval rất đẹp và đó là nơi mà các cô nữ sinh nội trú Gia Long dễ dàng thủ tiêu và phi tang các "của nợ hột mít". Mỗi lần chạy qua bồn hoa, các cô nhìn quanh nếu không có ai theo dõi canh chừng thì móc ra vài hột mít liệng vào đó. Các bồn hoa có trồng cỏ dãi dày và đẹp, nên các hột mít khi các cô liệng vào rất dễ được cỏ che lấp. Liệng được mấy "hột mít của nợ", các cô thở phào nhẹ nhõm và không còn lo sơ gì nữa.. Riêng các hột mít bị cỏ che lấp, nằm sát đất, hàng ngày được các vị lao công làm vườn tưới thêm phân, tưới thêm nước nên rất dễ nẩy mầm, mọc lên những cây mít con xanh tươi. Các vị lao công làm vườn, tưới cây, săn sóc các bồn hoa lại nhổ các cây mít non lên liệng vào thùng rác, công việc cứ lặp đi lặp lại mãi hàng tuần như vậy : người vô tình trồng các cây mít trên các bồn hoa là các cô nữ sinh nội trú Gia Long và người vô tình nhổ đi liệng vào thùng rác là các chú lao công làm vườn. Nhưng cũng có một vài hột mít khi bị các cô nữ sinh nội trú Gia Long liệng ra lại "vô tình" và"may mắn" rơi vào ngay tâm hay tiêu điểm thích hợp của các bồn hoa hình tròn, hình ellipse và nẩy mầm mọc lên những cây mít một cách tự nhiên tại các "vị trí trời cho đó". Các vị lao công làm vườn thấy cây mít xanh tươi, đẹp và vô tình được trồng ngay tại vị trí thích hợp của bồn hoa nên họ không nỡ nào nhổ bỏ, mà hàng ngày các vị lao công này lại săn sóc và vun tưới, làm cho cây mít càng mau tươi tốt và mau lên, càng ngày càng lớn lên cao lên một cách tự nhiên. Trải qua bao năm tháng, trải qua bao nhiêu niên học, những người nữ sinh Gia Long vô tình trồng lên những cây mít đã người trước kẻ sau lần lượt rời khỏi mái trường Gia Long, rời khỏi lớp học thân yêu, trao lại cho đàn em phòng học trên lầu, trao lại cho em chiếc giường ngủ đơn chiếc như tấm thân em v.v.... và vô tình trao lại cho đàn em những cây mít xanh tươi, cao vút, nặng trĩu những trái mít chín, những múi mít vàng tỏa hương thơm ngào ngọt....
còn tiếp . (Ts. Gs. Lê đức Phúc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét