18 tháng 8, 2007

Nghe tin trên báo ... rụng rời !

Thứ Ba, 12/06/2007, 10:15 (GMT+7)

Sự cố “tự chọn” đề thi: Tha hay phạt?

TT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006-2007 vừa qua đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, được coi là thực chất so với các kỳ thi gần đây. Tuy nhiên, lại xảy ra sự cố liên quan đến phần tự chọn của đề thi.

Đây là năm thứ hai có HS tốt nghiệp theo chương trình phân ban thí điểm. Đề thi tốt nghiệp THPT đối với chương trình phân ban thí điểm của Bộ GD-ĐT tiếp tục có phần dành riêng cho HS từng ban. Đề thi mỗi môn đều gồm hai phần: phần đề chung dựa trên mặt bằng kiến thức cơ bản của chương trình phân ban và phần dành riêng cho ban khoa học tự nhiên hoặc ban khoa học xã hội và nhân văn. Bộ GD-ĐT cũng đã qui định HS phân ban sẽ bắt buộc phải làm phần đề chung và phần đề dành riêng cho ban mình đã học.

TS làm cả hai phần đề thi riêng sẽ bị coi là phạm qui, bài làm không được chấm và xử lý theo qui chế. Tuy nhiên vẫn có TS bị rơi vào tình trạng phạm qui này: có TS học ban này nhưng làm đề thi dành cho ban kia, thậm chí làm cả hai phần.

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, khi phát hiện tình trạng một số TS phân ban làm cả hai phần riêng dành cho từng ban, hoặc lẫn lộn ban này làm bài ban kia, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản báo cáo bộ và đề nghị chỉ đạo để đảm bảo qui chế nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi HS. Sở GD-ĐT cũng đã đề xuất: với những trường hợp này vẫn chấm “phần chung” dành cho cả hai ban, và chỉ không chấm “phần riêng”.

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết cũng đã nhận được ý kiến của một vài sở GD-ĐT hỏi về việc xử lý đối với những bài thi TS đã làm cả hai phần đề dành riêng cho hai ban. Theo ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, những trường hợp TS làm cả hai phần trong đề thi dành cho HS phân ban chủ yếu xảy ra ở một số địa phương phía Nam như TP.HCM, Long An... Ngoài các môn thi trắc nghiệm, theo một số sở GD-ĐT đã phản ánh về cục, ở các môn thi tự luận cũng có bài thi làm cả hai phần đề thi riêng.

“Những bài thi TS làm cả hai phần đề thi riêng sẽ không được chấm do lỗi phạm qui, bài thi bị hủy kết quả. điều này Bộ GD-ĐT đã công bố công khai, rộng rãi từ trước để khuyến cáo TS trước khi bước vào phòng thi. TS vi phạm sẽ phải xử lý theo qui định thôi. Trong quá trình chấm các môn thi tự luận đã xử lý rồi.

Còn đối với các môn thi trắc nghiệm, chương trình chấm chỉ cho phép máy chấm đọc kết quả của một phần đề riêng. Nếu TS có làm cả hai, máy sẽ không chấm được” - ông Nghĩa nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, TS bị hủy kết quả bài thi do làm cả hai phần đề thi riêng vẫn được dự thi lần hai vào tháng tám tới. Nhưng với mức xử lý này, những TS này sẽ không có cơ hội dự thi ĐH, CĐ vào tháng bảy tới. THANH HÀ (xem tiếp)


Thứ Tư, 13/06/2007, 06:12 (GMT+7)


Sự cố “tự chọn” đề thi: Không tha!

>> Sự cố “tự chọn” đề thi: Tha hay phạt?
>> Làm bài thi cả hai phần, chấm điểm thế nào?
>> Làm cả hai phần, nhiều thí sinh phân ban phạm qui

TT - Về mức xử lý hủy kết quả của Bộ GD-ĐT đối với những bài thi đã làm cả hai phần đề riêng của thí sinh (TS) tốt nghiệp theo chương trình phân ban, tiến sĩ Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết:

- Đây không phải là thời điểm để còn tranh luận xem mức xử lý như thế có nặng hay không, nên xử lý nặng hay nhẹ. Qui định về xử lý đối với những bài thi mà TS làm cả hai phần đề riêng trong đề thi dành cho HS phân ban đã được bộ công bố công khai rộng rãi nhiều lần từ trước kỳ thi.

Có thể nói rút kinh nghiệm năm trước và muốn TS có đầy đủ thông tin, thật sự lưu tâm đến vấn đề này, bộ đã có qui định và hướng dẫn từ rất sớm. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đều đưa rất kỹ. Việc các em vẫn vi phạm rất đáng tiếc nhưng không thể bao biện được...

* Kỳ thi năm trước cũng đã từng xảy ra tình trạng “tự chọn mà không tự chọn”, nhiều TS làm cả hai phần đề môn ngoại ngữ. Nhưng sau đó Bộ GD-ĐT đã có phương án “xử lý” chấm bài cho TS. Năm nay sẽ có “cửa” nào cho những TS trót nhầm lẫn, thưa ông?

- Năm trước là năm đầu tiên có HS phân ban thí điểm thi tốt nghiệp nên là năm đầu tiên đề thi có phần riêng theo hình thức tự chọn. Lại cũng là lần đầu tiên thi trắc nghiệm, TS và cán bộ coi thi đều còn bỡ ngỡ, trong phòng thi có thể cán bộ coi thi chưa phổ biến kỹ cho TS và kịp thời nhắc nhở khi TS làm cả hai phần. Sau đó cũng có ý kiến phàn nàn đề thi chưa thật rõ ràng...

Từ những lý do đó nên bộ đã cân nhắc đi đến quyết định có phương án xử lý phù hợp. Nhưng năm nay qui định đã được phổ biến rất sớm, rất kỹ lưỡng, đề thi cũng rất rõ ràng không thể gây hiểu nhầm.

Nếu có phạm qui là do TS đã chủ quan, coi thường qui định. Đến thời điểm này, những bài thi tự luận mắc lỗi này đã bị xử lý. Riêng với thi trắc nghiệm, trong hướng dẫn chấm được gửi tới các sở chiều tối 11-6, chúng tôi cũng đã đưa vào phần xử lý: những bài thi làm cả hai phần tự chọn sẽ bị loại, máy không chấm.

* Nhưng thưa ông, có không ít ý kiến của chính các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đề nghị nên có một phương án xử lý hợp tình hợp lý hơn cho các em đã trót làm cả hai phần đề. Bởi đây là một kỳ thi quan trọng, bước ngoặt trong cuộc đời các em, sẽ là quá đắt nếu vì lỗi này mà mất đi cơ hội dự thi ĐH, CĐ...

Những trường hợp phạm lỗi làm cả hai phần đề thi sẽ bị xử lý hủy kết quả bài thi đó. TS sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng các em còn cơ hội dự thi tốt nghiệp lần hai vào tháng tám tới. Theo tôi, đó đã là một hướng giải quyết hợp lý hợp tình.

(Tiến sĩ Nguyễn An Ninh)

- Tôi biết có ý kiến đặt ra vấn đề nên “tha” cho những TS này vì những lý do này, lý do khác. Nhưng ngược lại, tại sao chúng ta không nhìn nhận vấn đề từ góc độ: cần phải sống, làm việc theo luật. Kỳ thi, đề thi có qui định rõ ràng, có luật rõ ràng và công khai, “anh” không tuân thủ lại yêu cầu được đối xử đặc biệt?

Nếu ta không làm nghiêm theo qui định đã ban hành tức là vì một thiểu số vi phạm, làm sai qui định, ta đã “xé” luật được đa số tuân thủ nghiêm túc. Như thế cũng có công bằng, bình đẳng đối với những người nghiêm túc, làm theo đúng luật hay không?

Nhân đây tôi cũng muốn lưu ý các TS chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ: đây là một kinh nghiệm TS cần đặc biệt chú ý khi làm bài thi ĐH. Đề thi ĐH cũng sẽ có phần tự chọn cho chương trình phân ban và không phân ban. Tuy không bắt buộc TS phải làm đúng phần đề theo chương trình mình đã học, nhưng nếu TS làm cả hai phần sẽ phạm qui và bị hủy kết quả thi. THANH HÀ thực hiện (xem tiếp)


Vậy là : Mất quyền được ... đậu ?

Đương nhiên kỳ thi là để đánh giá, thẩm định kiến thức cần thiết "xứng tầm" của người ... đậu. Phòng ngừa gian lận là để đánh giá cho đúng thật chất cái kiến thức. Thiếu kiến thức, rớt là đúng, không ... đáng tiếc !
Than ôi, một số học sinh phạm lỗi - chỉ xảy ra ở chương trình thí điểm phân ban thôi - đã mất quyền được đậu rồi, bởi :

1) "Thông thường, khi bài thi mà thí sinh dùng 2 màu mực đã bị quy về tội gian lận rồi. Đằng này, đề thi tốt nghiệp cấm làm 2 phần mà thí sinh cố tình làm thì coi là đánh dấu bài" (SGGP, 14.6 -Việt Lan phỏng vấn TS Trần văn Nghĩa). Ở đây, xin nói, từ xưa nếu nghi ngờ gian lận thì bài thi 2 màu mực đó phải được đưa ra tập thể chấm hội đồng. Ai dám khẳng định không có trường hợp bất khả kháng phải dùng 2 màu mực ? Vậy giám khảo nào tự cho điểm 0 phạm quy ? Kỳ thi trắc nghiệm chấm bằng máy, máy không chấm được đương nhiên là gian lận với máy sao ? Nói các em "phạm qui" thì đúng, mà nói là gian lận thì phải ... xét. Cách quy chụp ... dễ dàng, thì chỉ thấy tội lỗi người ? Không cần phải là người trong cuộc như các em, để thanh minh có cố tình GIAN LẬN không ? người LỚN chúng ta dể dàng hình dung mà ? cái "tâm sinh lý lứa tuổi", háo thắng, non dại, và cái "tâm lý trong phòng thi" nó "hồi hợp" đến nổi Bộ còn ân cần nhắc nhở giám thị 1, 2 ngồi đúng chổ qui định tránh đi qua lại ảnh hưởng ... tâm lý thí sinh mà?

2) Bộ có cảnh báo, biết, mà trách nhiệm của người lớn có phải chỉ là cảnh báo thôi sao ? Đến giờ thí sinh ngồi trên phòng thi, thử hỏi tờ hướng dẫn của Bộ (đính kèm trong hồ sơ bìa giấy làm bài trắc nghiệm - bắt buộc phải đọc cho thí sinh) có đọc câu cảnh báo "ban nào làm riêng ban đó" không ? Hay là Bộ cũng ... quên cái ý "sống còn" này chỉ nhắc chung chung làm bài trắc nghiệm tô gạch thế nào ở tờ hướng dẫn trong phòng thi ?

3) Đã có ý định cho làm phần chung và phần riêng thì mẫu thi thử của BỘ cũng nên giống y đi. Đề thi thử của Bộ có giống vậy không, hay đề ban nào riêng cho ban đó, có phần chung phần riêng không ? (MK không có đề thi thử này) Các trường đề thi học kỳ 2 - theo hướng dẫn của Sở GD - đều cho riêng biệt : tự nhiên và xã hội (chẳng phần chung với phần riêng lộn xộn gì cả, tách biệt hẳn ra). Mà điều này đúng thôi, ví dụ ta làm mâm cơm đãi khách, bàn ăn chay, bàn ăn mặn riêng chứ có ai dọn một mâm chung rồi báo món nầy chay, món kia mặn, thò đũa gắp lộn tội lỗi ráng chịu ? Cách tổ chức suông sẽ mới là tròn trách nhiệm, cớ sao biết sẽ xãy ra (nên Bộ mới cảnh báo) mà không tổ chức cho "triệt" đường xấu đi ?

4) Làm sao nói dễ dàng là " Những thí sinh không làm đúng nguyên tắc chắc chắn sẽ bị xử lý để làm gương cho thí sinh những năm sau. Chúng tôi không thể chạy theo cái sai của các em" (Người Lao động - 14.6.07 Yến Anh thực hiện). Phải xử lý, đúng, mà xử để làm gương hay xử đúng mức ? "Dạy" một bài học cho mai sau, "đắc" vậy sao ? Mà đánh cho chết ... khỏi dạy. Hay đánh cho sống, để ... CÒN NGƯỜI cho ta dạy.



Hỡi ơi, các em nhìn người thầy như người LỚN mà !

tPhương

Không có nhận xét nào: