28 tháng 10, 2006

Chiếc võng.



Hỏi mọi người rằng có ai chưa từng nằm võng, ngủ võng, đưa võng .... ? Ai mà chẳng từng một lần ! Với tôi hình ảnh chiếc võng trong hồi tưởng và rất thật ngòai đời cứ theo tôi lù lù từ thời đi học rồi đến lúc đi dạy ... Quen vô cùng !


Thời đi học, chiếc võng giúp tôi ... thuộc bài nè, đến già còn "xí xọn" lên mặt được! Thật đó. Kẽo cà kẽo kịt ầu ơ trong tiếng hát ru " con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà, chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm mua muối ... giổ cha chú mèo " tôi còn nhớ như in. cũng như những bài "con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, bà ơi đi chợ mua tôi đồng ... riềng" Vì bạn ạ, trong sách học của tôi thời đó đại lọai như vậy không hà (dĩ nhiên là kém ... trí tuệ hơn lọai sách pro rồi !) Và đó là những bài học nhớ hòai tôi vừa "hát" vừa "đưa võng" ru em. Năm đứa em nhà tôi, kể cả chú út cũng đều qua tay tôi ... đưa võng "hát hò" như thế ! Vừa rồi đi đám tiệc, nhà hàng có món thịt gà, tôi gắp cho bạn những sợi nhỏ lá chanh, "ăn đi". Cái đầu bạn gật gật, xoe ánh mắt mà nhìn tôi ra cái điều tán thưởng lắm, " sao biết " Tôi làm lơ, tỉnh bơ phán thêm một câu rành rọt "ăn thịt chó phải có riềng". Hình như nó có càng "kinh hãi" mà ... bái phục cái sự sành điệu.... ăn (nhậu) ? Mong là bạn tôi chưa từng biết bài "con gà cục tác lá chanh ..." để còn mãi mãi thán phục cái tôi trí tuệ (hay ra vẻ ... trí tuệ "âm dương ngũ hành") trong văn hóa ẩm thực này !


Thời đi dạy, chiếc võng vào ... lớp học của tôi. Đồng nghiệp tôi đang mĩm mĩm cười đây ? ông này chơi ... láo ? Hỏi học trò có biết cái võng không ? Tôi nói trước rồi mà, ai mà chẳng từng nằm võng đưa võng. Thế thì mắc gì phải vác cái đồ dùng dạy học to đùng kia leo lên lầu ba cho tội ! Học trò thành phố không biết võng thì giới thiệu cái nôi, cái xích đu ... cũng rứa ! Sáng nay tôi mới dạy 12A8 "dao động duy trì, dao động cưỡng bức, cộng hưởng" Thầy lấy ví dụ cái võng. Đong đưa tự nhiên rồi đến hồi dừng, muốn duy trì thì mỗi khi lắc qua sát tường phải đẩy một cú. Đẩy phải ăn nhịp. Duy trì là thế đấy. Còn mà nắm lắc lấy lắc để thì cái võng bị cưỡng bức đi theo thôi. Cưỡng bức là vậy đấy. Dễ òm. Nhưng cái không có trong giáo án là đọan này. "Nàng" võng & "Chàng" lực. Nàng có ý riêng. Chàng có ý riêng. Chàng đang ve vãn phải chiều nàng. Chung cuộc, phải thực hiện ý của nàng (duy trì đó?) Cưới nhau rồi, "đi đâu cho thiếp theo cùng ..." nàng theo chàng. Chung cuộc là... theo ý chàng (cưỡng bức đấy?). Còn cộng hưởng ? ý chàng nàng là một, không ai phải theo ai. Chung cuộc ý tuy hai mà là một. Thế mới là cộng hưởng chứ ! Ơ kìa kìa, học trò tôi cứ ngớ ra ?


Chiếc võng cũng làm tôi nhớ ! Mỗi lần tôi về nhà thăm ông bà già, vừa vào đến cửa là ông già đã ngồi bật dậy nhường cái võng cho tôi, "ậy, nằm đi, đỡ mõi lưng !". Ông bảo, già rồi lưng người ta phải còng không thẳng được như trẻ, phải chiều theo cái sống lưng, nằm võng hay lắm đó ! Ông bảo hay ông dạy, không biết, nhưng ông "thực hành" làm mẫu cho con cháu thấy bằng cách Ba tôi ngủ võng, không bao giờ giường, chiếu hay nệm gì tuốt ! Rồi ông may cái võng, rồi mang vào nhà tôi tự tay bắt khoen tường cho thằng cháu nội nằm ngủ, cho thằng con trai là tôi ình cho đỡ mỏi lưng !


"Ậy, nằm đi " tôi nằm thấy đầu võng như hình ... mũi tàu, thẳng tiến !

tPhương

21 tháng 10, 2006

Dây chuông "cà rem" không rung !


Dây chuông "cà rem" không rung !

Chuông gọi cửa nhà tôi đó "leng keng, leng keng ..." từ thuở 20 năm rồi vẫn ... chạy tốt. Từ bức tường thành len trong đám lá "vô tổ chức", chi chi cành cành với cây mọc đất cây mọc chậu dẩn dài qua sân, dây chuông rồi cũng nối được bến bờ .... vắng nuớc không sông (à có, nhưng chỉ khi mưa, con đường THT, con hẽm nhà tôi mới thành sông mà "đứng bến" là cổng, vào nhà ... may ra là bờ !). Hàng cây chào sân, chào dì ve chai với lủ khủ dưới đất ghế đá gẩy chân, lu khạp té ngửa, lon thiếc hộp giấy... sắp hàng nghiêm nghỉ. Hàng cây chào sân với um sùm trên trời lá với hoa chẳng ai tỉa cành vuốt ngọn. Bạn có hết hồn với vẻ đẹp "nghệ sĩ" ( mà ở trong Thành đô mới ... đáng nói !) này chăng ? "Cho em xin". Chưa thấy "chóang" với cái "phong nhã" thì đã thấy cái "cớ sự" rồi ! Dưới tàn cây mít, trên đám hoa nhài, dây chuông vương trong mấy cành mai, vướng trong mấy nhánh ngọc lan, rồi rối, rồi nín tiếng chuông (dù chẳng Lan hay Điệp nào ... cắt dây chuông !). Học trò gọi cửa, nào dám "đập" cửa nhà Thầy, cứ mà đứng run ! (và tiếp tục rung chuông). Thầy về gọi cửa thì rút cái "a lô" mà "à lố" ! Còn con chó Lu tưởng nhờ cậy được thì " khôn chợ dại nhà" ngừoi lạ thì sủa, người quen thì vẩy đuôi lia lịa mà iiiim im ỉm !

Và lạ ! Đêm rồi, tôi thức giấc vì nghe tiếng chuông "leng keng" như ai gọi cửa ? Khuya ! Tôi mở cửa bước ra sân. Vắng lặng cửa khuya, tĩnh mịch nhà ! Có thỏang trong hơi thở như đâu đây hương dịu rất có rất không ! Không phải cái thứ "xỏ mũi" mọi người ... ... ... , xộc như nhài, quế. Đó mùi ngọc lan đó ! Thỏang thôi, như đêm rất nhẹ, thỏang thôi như linh hồn phớt ẩn phớt mơ trong ánh đèn đêm của con hẽm tối lấp lững.

Ánh đèn điện "ịn" vệt đen bóng cây tán lá. Lem luốt trên nền sân những là lòa xòa bóng lá. Tôi nhìn lên, những chùm lá ngọc lan ! Cái thứ lá to đùng lại còn túm tụm kéo chùm kéo lũ ? Một tảng những màu xanh lá là lá. Không hẳn là một màu xanh nhiều sắc độ mà nhiều những gam màu vì có bệt phơi sáng thì xanh lá, khuất tối thì sẩm kịt, lấp lóang đen thì ánh thẩm ... "Leng keng leng keng..." Xanh nào thì vẫn màu xanh !

Tôi bước đến gần, thấy vậy đó. Lẩn trong đám lá bề thế phô trương lao xao đó, những hoa nhỏ dài như ngón út có móng tay (để chọc... nhói tim ?).. Những hoa muốt trắng màu trắng của sữa. Những búp hoa ngậm ánh đèn điện ửng rồi như trở ngà ! " Leng keng leng keng..." Ngà thì cũng là màu rũ của sữa trắng kia thôi !

Là dây có nhiệm vụ là nối, cánh tay vói thì cái chuông leng keng. Vuợt khỏanh sân, vượt một góc trời tiếng reo leng keng. Vượt cả ngòai trời chuông vọng hồi xanh ! 30 năm xa, hoa ngọc lan tôi hái lén ở nhà thờ Fatima Bình Triệu, nhét đầy túi rồi mới ... đi xin Cha mà quên béng hương hoa rất có rất không kia đâu chịu bị dấu kín để chỉ nằm im trong túi áo ! Hoa ngọc lan hí hửng tặng người yêu, người yêu tặng cho ... mẹ ! Mẹ thích hoa ngọc lan mà ! (thì dây nối chuông leng keng và leng keng ...) Màu xanh thơ, không phải màu lá, mà xanh qúa là ngày xanh ! Và ngón tay là hoa hay hoa là ngón tay - ngón nào mẹ đẻ, ngón nào là hoa dâng ? Ngón hoa nằm trên ngón tay. Trắng thon và trắng thơm.Trắng như là nguồn sữa cho đầu cuộc sống ? Rồi giờ đây, hoa nằm trên dĩa ! Trắng như linh hồn đậu trên khăn tang cuối cùng cuộc sống? "Leng keng leng keng" hòa tiếng ê a tụng " tam bái, trà dâng, thượng hưởng ..."


Đêm, tôi chỉ thấy hai màu. "Leng keng leng keng ..." Dây chuông cà rem đã rung rồi. Vợ tôi lúc ra nhìn tác phẩm ... của tôi, sững sờ với ngọn cây ngọc lan... phạt cổ, nhánh mai bị ... bẻ cành ! hai dòng nước mắt ròng ròng ...

Có cái vô tình đến tàn nhẩn chắc là không đáng khóc. Có cái tàn nhẩn (với hoa) đến vô tình (với vợ) thì phải khóc đến rối tim tôi ! Tôi thấy dòng nước mắt màu xanh, và cả dòng nước mắt màu trắng !

tPhương (tặng vợ, như một lời xin lổi màu đen)

15 tháng 10, 2006

Người lớn nghe chuyện ... cổ tích.


Tối hôm qua thứ bảy, tối hạnh phúc. Cái êm êm của buổi tối, cái thong thả của một ngày cuối tuần vừa mới buông viên phấn giảng, cái lắng rất yên trong những riêng tư .. Và tôi hưởng tất cả hạnh phúc đó cùng gia đình, những ngừoi thân bên câu chuyện cổ tích mà anh tôi đang kể...

Câu chuyện cổ tích về "hoa tầm xuân". Bạn có biết "hoa tầm xuân" ? Thứ hoa dại nho nhỏ, nụ như hoa hồng hồng, dạng như trái tim con con, màu hoa phơn phớt, mình dây mọc leo có rất ... nhiều nhiều trên Đàlạt (mà Festival Hoa không 'triển lãm" thì thật là đáng tội đó !). Anh tôi kể rất hay, bọn tôi lặng nghe mà cảm cái mênh mông của đêm TRỜI đất, của cái tối cuộc ĐỜI, và cảm cái ấm nồng của trái TIM "hoa tầm xuân " xinh nhỏ, đã có và vẫn có lặng lẽ rất nhiều và nhiều (dù chẳng cần kênh kiệu trong thế giới Festival !)...

Tiếc là tôi chỉ biết tóm luợc. Đại khái là mùa xuân không về. Mùa xuân bị nhốt bởi "đại vương" băng giá. Đóng băng rồi. Giá băng tất cả thế gian ! Ai cũng mong mùa xuân. Mong hòai với phí ... hòai = hòai vọng ! Đáp là im lặng và im lặng như lòai cá. "Im lặng đáng sợ" ! Hoa buồn tức tưởi tủi hờn sắc hoa ....chết tươi theo năm tháng. Chim trốn tuyết buồn nghẹn câm không thèm lên tiếng ... hét ca. Bé con buồn ngớ ra có đâu ... vòi áo mới, bánh kẹo qùa xuân ! Thế là em bé lên đường, em ngây thơ không tính tóan đi tìm với mộng mơ "hiệp khách hành" giải cứu Chúa Xuân ! Em đi và đến được núi băng đang nhốt niềm vui của mọi người. Nàng xuân nhìn em. Em nhìn thấy mùa xuân mà tuyết trong_như_không_có nhưng vẫn là tuyết_cách_ngăn ! Nhỏ nhoi một mình em tìm cây tìm lá gom trong rừng chất lên, cứ chất lên niềm hy vọng. Chỉ là hy vọng vì chẳng có que diêm ! Mà cây cứ góp, lá cứ gom ...

Bạn ơi, tôi nghiệp bé con không gặp ... "Em bé bán diêm" của Hans C. Andersen, mà cũng chẳng gặp học trò tôi để mách cho em một ngọn lửa ... Hãy chỉ cho bạn nhỏ của mình bài học Vật Lý, bài học "ma sát" như người tiền sử đã làm để nhen lên nền văn minh của nhân lọai ?

Bé con sức cùng lực kiệt, qụy bên đám cây gom góp, ôm lấy những cành những đống mà lụi tàn cuộc sống. Bạn có biết tuyết gió quanh lạnh căm căm chỉ có trái tim thoi thóp ấm ? Cháy lên hãy cháy lên trái tim. Hãy cháy lên. Cháy lên tuyệt vọng. Cháy lên hy vọng Cháy lên tuyết... carbon. Vậy mà kỳ diệu thay, ngọn lửa đã bén ...

Bravo ! tuyết tan (Vật lý nói là sự chuyển trang thái). Nàng xuân tê cứng bước ra khụy bên đám tro than của bé ....Những giọt nước mắt tưới lên tàn tro của ước nguyện " tầm xuân". Bé ơi, ta là Xuân, là Mùa Xuân của những ai tin ta tìm ta ..

Vậy là những hạt bụi, những li ti tro hóa thân theo phép màu kết thành chuổi những trái tim hồng nhỏ, rất ... nụ hồng, đẹp, không ... gai !

Người lớn mà nghe chuyện cổ tích...? Học trò tôi có đủ lớn ( ...trên 18 để nghe ... cổ tích) ? Vậy là hẹn phần hai, "cổ tích second hand cho người ... số 2 " nhé !

tPhương (tặng anh T.H.D.)

11 tháng 10, 2006

Cảm hứng từ Đôi Mắt ...


Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để cho bà nói má thơm của cháu
Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu

Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Mẹ bế đứa con như ôm tròn trái đất
Suối chạy tìm sông trăm vòng tươi mát
Con chim sổ lồng bát ngát xa bay

Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Hãy ăn bát cơm như chính tay mình nấu
Nghe tiếng trống trường như em lớp sáu
Sớm mai khai giảng sáng những khăn hồng

Đôi mắt xanh non
Cha xin của con
Người đi trước xin của người sắp tới
Biết chỗ đứng để nhìn cho thật mới
Cuộc sống xanh non
Mãi mãi tươi giòn....

(Đôi mắt xanh non _ Xuân Diệu)

Tôi "muợn" bài thơ Xuân Diệu để viết trang blog này, để nói chuyện với học trò về Mắt, như một lần đã hẹn trong Forum . Thích quá. Đôi mắt xanh non. Cái nhìn xanh - mới, đôi mắt non - thơ. Còn bài học về Mắt học trò nhìn bằng đôi mắt (xanh ... lè ?)

Cuộc sống xanh non
Mãi mãi tươi giòn ...

Học trò đời trước đời sau, và " Bài tập về Mắt". qua theo từng .. thế hệ, cũ mèm theo niên khóa, theo dần qua bao trào lưu " cải cách - thí điểm - phân ban...", mà sao cũng vẫn giòn cứng để gãy răng rắc ...răng học trò. Em học trò, thế nào ? Dễ khỏi chứng minh, khó ... nghẹn ngào chấp nhận ? Chỉ 3 chữ dê, dê phẩy và ép... phờ với vỏn vẹn một công thức 1/f = 1/d + 1/d' vậy mà làm khó nhau chi !

Thầy đã cảnh báo con rồi, khôn ngoan nghe cho đàng hòang từ đầu. Vì hoặc là con "ngộ" ra ! Dễ qúa, biết "2 ... in 3 " thì tìm cái còn lại.( cho có 1 mà bắt tìm 2 thì Thầy giải đến Tết Công gô cũng khỏi ra ! mà không cho gì thì khỏi có gì để làm, sướng !) Con thấy đó Thầy đọc đầu bài cho đủ 2 đại lượng rồi thì ... vểnh mặt, có thèm đọc câu hỏi đâu ! Hóan vị nhá, con ... ra đề, Thầy ...giải (hừ hừ cho biết thế nào là ra ... chiêu, xí, ra đề !) Hoặc là con ở nhóm thứ hai : "không ngộ" thì cho làm ... ngộ không, u mê lộn xộn dê hay "phẩy" dê, vật hay ảnh , 1 Tôn Ngô Không hay biến 72 Ngộ Không .... tứa lưa hột dưa luôn !

Vật hay ảnh ? Có gì đâu, Thầy là học trò của Thầy thầy, nhưng thầy cũng là Thầy con vậy, đúng không ? Stereo hi-fi có sao đâu (dàn loa surround bây giờ có đến 5 loa nữa là .. thường ! ) Ảnh đối với kính ai cũng là vật với mắt ...ai luôn đó ! (chứ chẳng lẽ mắt ... người khác)

Nói là con bị quấy rối lùng bùng do đầu óc không được "nhất tâm thiền định" cũng ...oan Thị Kính đấy. Cái tội này là do từ ngữ tiếng Việt của ta thôi. Nè, bệnh thì đi khám bác sĩ đi ? Đúng không ? Khám bác sĩ là thế nào, là đè đầu đè lưỡi ... ông Bác sĩ ra khám ổng à ! Nói vậy là sai ... ngữ pháp. Mà nói đúng "hôm nay tôi bệnh quá phải đi đến gặp ông bác sĩ nhờ ổng khám bệnh cho tôi", chu choa, chắc chỉ có nguời ... ngọai quốc học tiếng việt mới nói thôi. Ông thầy Vât lý "nhơn chi sơ" cũng ... lười như thế . Nói sai thế này mà bắt học trò ...phải chịu ! " Một người đeo kính 2dp thấy vật gần nhất cách mắt ..." Đeo kính rồi thấy ảnh chứ sao thấy vật được ! Thầy " lão cận thị " đeo kính có được thấy ... cái mặt thật của con đâu ! Mà đố có ai nói đúng " ...đeo kính 2dp thấy ảnh của một vật gần nhất cách mắt là ..." Nhơn chi sơ tính bổn ... lười !

Còn phải nói thêm mỗi người chỉ được thấy (rõ) trong cái ...."được phép thấy" (không phải... mù à nghen). Vật lý gọi là phạm vị nhìn rõ từ cực cận đến cực viễn. Trong giới hạn nhìn rõ mắt còn khà năng điều tiết đuợc (ơn Trời) thì thấy rõ. Nhớ nhá, không kính (mắt trần trùi trụi) thì thấy rõ vật trong vùng này. Khi có kính thấy rõ là lúc ảnh ở trong vùng ... này ! hi hi ! Thầy rất tâm đắc với đề thi đại học xôn xao "Đeo kính gì để khỏi thấy ?" tuyệt, hiểu mới biết làm, còn mờ mờ công thức "mì ăn liền" thì không có chổ áp... chiêu đâu !

Đôi mắt xanh non
cha xin của con
Người đi trước xin của người sắp tới
Biết chỗ đứng để nhìn cho thật mới

(Thở ra !) Biết chỗ ? Chỗ ngồi học trò trông lên. Chỗ đứng ông Thầy nhìn xuống ...Mà Thầy giảng bài cảm hứng từ ánh mắt các con đó, đừng có mà nhìn Thầy với đôi mắt ... tròn xoe nai ngơ, hay đôi mắt ...hình viên đạn nhá !

tPhương

08 tháng 10, 2006

Rơi tự do !



Rơi tự do !

Đêm rồi rằm Trung Thu, em nhỏ chơi đèn, ăn bánh, ngừoi lớn nói chuyện chú Cuội chị Hằng (hừ hừ, chú với chị, ai trẻ ai già, ?). Không phải nói "cuội", mà hình như tối Trung Thu năm nào cũng vậy, sự rơi không thành, ánh trăng rơi không thành á, không phải mặt trăng ... rơi (khiếp !), Cũng bởi mây mù sầm sập với làn mưa xám xối xa xả xuống những ống cống ... đã bão hòa từ thuở trời ... sắp chuyển mưa. Tội nghiệp tuổi thơ ! Đâu "ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một ối mơ ..." !Tội nghiệp thành phố ăn bánh chơi đèn trong ánh điện cắt dọc phanh ngang nhỏ vụn bầu trời !

Không trăng rơi (dù tôi khẩu khí dàn trời cũng không bắt trăng rơi được, còn sao "quả tạ" thì ... ai biết !) nhưng Tổ chứng giám ! (tổ Vật lý trường MK chứ không phải ông tổ ông tông gì đâu !) Tôi dạy, ừm ừm, có ... đồ dùng dạy học á ! ? Học trò lớp 10 mà ngủ gật trong lớp thì "xung phong" đứng lên, rơi cái phịch ! ai nặng rơi đau, ai mỏng cơm rơi ... từ tốn ! Kết luận thế nàooo các con ! Học trò ngồi khóc ... tỉ ti !

Khoa học không nói : Nặng rơi nhanh, nhẹ rơi chậm. Bậy nào. Nếu vật 2 kg rơi nhanh hơn vật 1kg thì khi ghép chúng lại mí nhau tất nhiên thành 3kg thì phải rơi nhanh hơn vật 2 kg - tức là vật 1kg (trong cái khối ghép 3kg đó) giờ đây lại rơi nhanh hơn vật 2kg (hồi xưa, em xinh em đứng một minh đó) ? Mới hay Tạo hóa tự nhiên hết sức công bình và công bình ... tạo vật đều có cơ hội như nhau. (có Trời đấy ?). Khác biệt chẳng qua là tại, là bị. là cái cơ chế... sức cản không khí thôi mà ! Lửa thử vàng, gian nan thử sức đấy. Cụ Dương Bá Trạc cũng nói "ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng ai dễ hơn ai ". Vậy là có Ta đấy, thấy chưa ?

Thấy mới tin. Nói và làm cho con coi nè (lớp 10A16 có chụp hình, mà chụp ... hụt). thầy leo lên ghế, ghế đặt lên bục bảng, bục đặt trên sàn, sàn đặt trên ... lầu 1 (dãy Bà Huyện Thanh Quan), thả tờ giấy và cuốn sách (trò nào cho thầy mượn giấy, trò nào cho mượn sách nhỉ, đừng có mà sử dụng cái đồ dùng dạy học chuẩn bị sẳn ở nhà, bảo đảm với các Sư là mất ... linh ngay !). Nào "aiaaa" rơi nhanh hơn ?

Bất ngờ phải không ? Đến đất cùng lúc, chẳng ai nhanh ai chậm. Bạn ơi, không tin thì bạn tự làm đi, chấp bạn lấy cuốn tự điển mập và tờ giấy pơluya mỏng để bạn ... chắc ăn luôn đó ! Nhưng nhớ là cuốn sách phải ở dưới, còn tờ giấy đặt bên trên sách nhá....Thế nào ? Học trò vổ tay rần rần như ... gánh xiếc phải không ! vui qúa hi hi ! Tờ giấy bị triệt sức cản rồi, rơi cũng khỏe đùng đùng như cuốn tự điển thôi. Mới hay, bầy chim tựa đàn mà bay, sức bay ... không mỏi ! Sức cản ngồi khóc ...tỉ ti !

Tôi còn bị một bất ngờ hơn ... học trò. Số là có em đứng lên lễ phép : " Thưa Thầy, tại Thầy để tờ giấy ở trên cuốn sách, con nghĩ là Thầy thử cho tở giấy nằm ... dưới cuốn sách đi chắc là 2 vật rơi nhanh chậm sẽ tách xa nhau thôi !" Bạn ơi dù bạn là .., cô gái hay nàng tiên, giáo viên hay học trò (của Thầy khác) có bất ngờ với suy nghĩ "phản biện" của học trò tôi không ? Tờ giấy bẹp dí và luôn bẹp dí dưới cuốn sách " lấy thịt đè người " là cái chắc khỏi cần phải thả "thực nghiệm" - nếu qủa thật vật nặng rơi nhanh hơn ! Ông Thầy ngồi (à, không được, phài đứng lớp chứ ) khóc ... tỉ ti !

Rơi tự do ! không phải Trăng rơi ! ai rơi ! học trò ơi, có cản không ?

tPhương

05 tháng 10, 2006

Chờ đáp án ?


Chờ đáp án ?

Khi mới thi xong !

Mới thi (kiểm tra tập trung) xong, học trò tôi tìm gặp, hồn nhiên hỏi đáp án ? đúng thế này sai thế nọ bị trừ điểm bao nhiêu ? Vẫn là câu chuyện muôn thuở tuổi học trò, cũng phải thôi !
Thầy tưởng là con làm bài xong ... phải biết ! Mà cái cần biết, đáng rút kinh nghiệm thì ... đã tự biết, sao còn hỏi ?

Có phải tôi lạc ... "hệ" (system) - hay lạc "thế hệ" (generation) ? Nên tôi không có cái nhìn như học trò, quan tâm cái mà tôi ... chẳng quan tâm ! Nhưng nghĩ lại chuyện cũ lớp 12A2 năm nào mà buồn thấy ... ớn ! Thi vừa xong, một phụ huynh giữa giờ trưa gọi điện thọai cho tôi, năm điều ba chuyện về chuyện học của con em (mới đi học bên Úc về học lại) rồi hỏi tôi câu này (nguyên văn) "Xin lổi, Thầy dạy bao nhiêu phần trăm học sinh trên trung bình ?" Á, ra thế !!!

Câu hỏi của học trò "bị trừ bao nhiêu điểm ?". Câu hỏi của phụ huynh " bao nhiêu phần trăm trên trung bình ?" Còn câu hỏi của tôi là câu hỏi : "Tại sao !Tại sao ! Tại sao !". Cái phụ hóa ra là chính, cái ảo hóa ra là thật, cái "thi đua" hóa "đua thi" như món hàng trang điểm cho cái danh vang sừng sỏ ?

Tôi phải nói thêm cho ... công bằng, không phải chỉ là "vị đắng". Vì vừa mới trên forum (www.gvphuong.forumup.com) học trò viết "...Thay chua post dap' an' 11 len hixhix lai cho` nua~ goy`...hixhix hi vong con la`m giong dap an' de duoc thay bao an kem hehe (moon_thocon). Vậy là còn có học trò tin ở chính mình, mong nhận lời khen, phần thưởng của Thầy ! Còn có tiếng reo vui "đòi" xem đáp án ? Còn có lọai "đáp án" là kem, là kẹo, là vị ngọt của bài học bài làm, là qủa ngọt kết trái của "ơn cha nghĩa mẹ công ...trò". Đâu phải "đáp án" là cái ".án" treo lở lửng trên đầu học trò, hay "án" nặng chịch làm "xèo" tắt hy vọng của mẹ cha, hay cái "án" trên giá treo ... sách (í, treo cổ) ông Thầy ! (hê hê). Và cũng tối hôm qua, ngay trước khi bước vào cửa lớp. tôi gặp một phụ huynh với những tâm tự, gửi gắm chờ mong ...những là BẤT AN, là hệ lụy ! Ôi, ông Thầy cũng mong cũng chờ một ĐÁP ÁN , nói gì con trẻ !

Đáp án cho một bài tóan : lời giải tầm thường !

Còn đáp án cho một định hướng đời người, cho một thế hệ ?


Ôi cái "hệ" học trò nay có phải bị già đi rồi, hết tuổi thơ, hết mơ ước để rất thực tiễn, rất vào đời hơn thua, đâu cái "thời" của nhà thơ Đinh Hùng ? Đã mất !


Khi mới nhớn, tuổi mười lăm, mười bảy,
Làm học trò mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên chân vẫn dạo bên người
Ngoài cặp sách trần ai xem cũng nhẹ !

Đời thấp thoáng qua học đường nhỏ bé
Phố phường cuộc sống mới lên hoa
Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa
Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp

Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm
Ôi tiếng nào vang bốn bức tường câm ?
Không khí nặng mơ hồ thầy với bạn

Ta lớn lên, bước đường không giới hạn
Có lẽ đâu kiềm giữ nổi tay người
Tuổi hoa hồng kiêu hãnh của ta ơi !
Tình đã hẹn ở trên đường nắng mới
......

Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay ?
Làm học trò không sách vở cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ (Khi mới nhớn - Đinh Hùng)

......

Chỉ còn là lo toan nhỏ (của người nhỏ) "bị trừ bao nhiêu điểm" và lo toan lớn (của người lớn)"bao nhiêu % trên trung bình"

'làm ông thầy lòng ruột xách cầm tay,
có tâm sự đi nói cùng ...Bộ Trưởng"

tPhương

03 tháng 10, 2006

Mơ về Trung Thu nhỏ !

photo Yahoo


Mơ về Trung Thu nhỏ !


Đừng ngạc nhiên, đừng thắc mắc. Tôi "chơi nổi" dùng từ cho có ..."ấn tượng" ấy mà !

Tối qua đang chở vợ nhông nhông ngòai đường, vợ tôi hỏi bao nhiêu "ta"rồi, tôi nói một "tây" rồi (!) Vợ tôi cằn nhằn " ông nói gà bà nói vịt"! Ý là vợ tôi thấy nơi nơi bán bánh Trung Thu đang treo băng rôn lớn "mua một tặng một" nên ngạc nhiên không biết trung thu đã qua rồi sao ? Thường năm mùa bánh trung thu dài lắm, đến một, hai tháng, mà thông lệ là sau rằm mới "đại hạ giá". Có thể nói bánh trung thu có ... 2 mùa : mùa chạy rong túi hộp "ngòai đường", và mùa bao bịch "về nhà" - hậu trung thu của "giới nghèo thành thị"! Cũng phải thôi "tiên thiên hạ ... ăn" (???) - thì ông bà mình nói sang, nói lễ "nhịn miệng đãi khách" vậy mà - khéo thật !

Trung thu nhỏ, không phải là trung thu "chính thống giáo", hay là trung thu nhân lễ nghĩa của người lớn "ăn theo" , mà là trung thu của ... tuổi nhỏ tuổi thơ, và trung thu của thằng nhóc tôi ngày xa xưa đó ! Tôi tin là con tôi, học trò tôi chắc cũng rất và rất thích thú muốn biết ? Thì tôi cũng phấn kích vào phim "trở về qúa khứ" vậy, nào "Action!"

Mơ về trung thu nhỏ, cái gì cũng nhỏ, cũng xinh, cũng dễ thương ! Ngôi trường nhỏ dăm ba lớp (trường tiểu học Bình Minh, góc ngã ba Kỳ đồng, Trương minh Giảng), lớp học nhỏ, cậu học trò nhỏ, và qùa trung thu thì tuy nhỏ nhưng thật là chóang ngợp ! Này nhé 1 cái bánh nướng (hoặc dẽo) vuông vức cạnh 5 cm thôi - 1 chiếc đèn xếp cở bàn tay vừa khéo với 2 đèn cầy tí xíu - và đặc biệt là 1 con thú nho nhỏ bằng bột, màu sắc rất xinh nào lân, sư tử, cóc, cá ... Tôi nói đặc biệt vì bánh, đèn chỉ có 1 lọai ai cũng giống ai, nhưng con thú chỉ được một (và chỉ một) trong số bầy đàn mà con nào cũng ngộ, cũng hay ! Thế mới hồi hộp khi Thầy cầm con thú trao tay. Tôi, bạn khác nhau. Thế là khen chê tị nạnh nhau (chiến tranh), gạ nhau đổi chát (hòa bình)...Đừng nói chỉ có người lớn ăn theo "trung thu" con nít, mà trung thu "chiến tranh & hòa bình" này con nít cũng học đòi "ăn theo" người lớn rồi đó ! (hòa, một đều ?)

Rồi cũng hết buổi ì xèo trong lớp, rồi rinh cái đám "trung thu nhỏ" về nhà chơi tiếp. Tôi đem khoe ông nội tôi con kỳ lân rất đẹp rất oai rất ... hết biết. Tôi hậu đậu sao đó, hay vội vàng thế nào, ông tôi chưa kịp cầm ngắm nghía thì tôi đã buông. Óach, con kỳ lân "còn sống" nhảy khỏi tay ... ông (hồi nhỏ tôi nghĩ vậy !), gãy đôi mình đầu rồi ! Tức chưa, tiếc cực kỳ ! tôi lăn đùng ra nằm vạ, hu hu . Ông tôi dỗ, để mua mấy con khác, to hơn, đẹp hơn. Tôi càng khóc dữ, làm mình làm mẩy, không, phải đúng con này nguyên vẹn cơ ! Tôi chắc mẫm không thể nào làm lành con lân lại được nên càng tức tưởi làm già ! (hư qúa há !). Bạn ơi, ông nội tôi ngắm nghía (tôi có hé hé mắt theo dỏi chứ không nhắm tịt mắt mà khóc đâu ). Ông tôi rút cây chân nhang trên bàn thờ, bẻ một đọan nhỏ, cắm vào đầu lân, chừa một đầu, rồi cắm mình lân vào đầu chân nhang còn lại đang lú. Ôi tuyệt vời, tôi há hốc mồm vì kinh ngạc, hết lu loa ngay tức khắc. Con lân của tôi nguyên vẹn, vểnh đầu "húc hắc" chào tôi. Ôi chao, ngày đó tôi "phục" ông nội tôi vô cùng ! Ông tôi cái gì cũng làm đựoc, tôi dám khoe với các bạn nhỏ như vậy đó !

Còn ba tôi, cái gì cũng làm được (khoe luôn thể nè) ! Nói có sách mách có chứng thôi, trong xóm tôi con nít chơi trung thu bằng đồ chơi tự chế (không có lồng đèn gì đâu) Một cái lon Coke, xẻ năm bảy đường dọc, đập bẹp cho lùn dúm xuống, gắn cây đèn cầy bên trong, đơn giản, vừa phát ánh sáng ra ngòai (thì đèn phải sáng chứ) mà "nửa kín nửa hở" cũng che chắn chừng mực cho ngọn lửa khó bị gió thổi tắt. "Muốn "cơ học" hơn thì làm bánh xe bằng lon sữa bò lăn trên đường bởi nối 1 que đẩy chữ L cầm tay, còn lon coke (ngọn đèn) đặt trên lon bánh xe này, quay mòng mòng quanh trục thẳng đứng do "ma sát" với lon sữa khi bánh xe lăn. (chắc hôm nào dạy chuyển động quay của vật rắn - lớp 12- hay bài ma sát lăn - lớp 10 - phải cho học trò làm ... đồ dùng dạy học ... chơi, ai chấm C, D cũng ... kệ). "Đồ chơi" Trung Thu của tôi xịn hơn của đám con nít đó. Ba tôi dẫn tôi ra tiệm treo lủng lẳng cơ man nào đèn trung thu, hỏi tôi thích đèn nào (?) Tôi chỉ đại (vì vượt quá mơ ước của mình, không dám tin, được gì ...cũng tốt !). Đó là một chiếc tàu thủy. Ba tôi ngắm chiếc tàu thủy hình như còn lâu hơn tôi. (vì tôi chỉ xong rồi cũng ... hổng dám dòm tiếp). Ngắm nghía rất lâu (y như ông nội tôi) rồi ... kéo tay tôi về ! Tôi cũng không ngạc nhiên và cũng không dám hỏi. Tôi chỉ hiểu ra khi ba tôi lôi về tre, ông tẳn mẳn vót tre cắt kẽm làm khung một chiếc tàu thủy, có ống khói, có nòng súng đàng hòang (lúc này đang là thời chiến), xong phết giấy bóng kiếng đỏ lên. (mấy hôm mới xong đấy). Tôi trố mắt nhìn ông làm mà trong lòng rất là sướng và phục sát đất. Với tôi, chưa từng có chiếc tàu nào ở tiệm đẹp bằng vậy đâu. !(thì bạn cứ bảo cha hát con khen hay đi). Trong xóm, có một mình tôi có đèn trung thu (thứ thiệt), bạn nhỏ trong xóm "ngưỡng mộ" nha ! "Ngưỡng mộ" bằng cách ...cứ ghé miệng vào thổi đèn cầy cho nó tắt. Bạn biết mà, châm đèn cho cái lon Coke thì vô tư, còn châm đèn cho tàu giấy thì sợ nó cháy (mà tôi thì hậu đậu lóng ca lóng cóng) nên càng phát khùng với lũ chúng bạn qủy quái ! Chiến tranh và hòa bình ! (a-lê, một trong hai thôi chứ chẳng nho nhã .. và hòa bình như văn hào L. Tolstoi của Nga đâu !).

Biết chuyện, ba tôi kể với tôi, ban đêm ông chiêm bao thấy súng trên tàu khạc ra lửa, nhà cháy (!) và đem chiếc tàu làm cho tôi ra đốt....

Còn tôi, chiêm bao giấc mơ về trung thu nhỏ !

tPhương (Ba ơi !)