29 tháng 12, 2006

Phụ đề trà đi ...


Nghe giục giả ... ? Chùm ảnh "phóng sự" hội trà mới post lên như thiếu thiếu ? Cái vô ngôn liệu có thành hữu ngôn ! Trình độ chưa đạt, thôi thì đa ngôn (và đại ngôn) cho nó ra đúng là ... hội chợ !?


Uống trà đi ? Uống trà hay uống chè thì thủng thỉnh, ai mà hối hả vậy ! ... Trưa nóng, anh tôi gò lưng chở tôi trên chiếc xe " cố vấn" (lốp xe .. tả qúa, dùng ruột xe cắt ra quấn thêm vào ... chờ thay vỏ mới) đi cà tưng cà tưng khắp Hà Nội, cho biết "Hà Nội 36 phố phường" ... sốc sốc tưng tưng.... (Tôi nói là năm 81 đấy) Hà Nội nhiều cây thật. Hà nội lạ với tàu xe điện, với hình như quán cà phê thay bằng hàng chè dăm ba cái ghế bên vĩa hè núp dưới tán cây. Mát, khi nhấm nhẳng miếng kẹo lạc ... chiêu một ngụm chè ... Uống từng hớp, tôi nghe anh cắt nghĩa chè vối, hớp, chè tươi, hớp, chè thái, hớp, chè lạng ... Tôi liên tưởng thì chắc cũng nhiều lọai như cà phê có moka, ban mê, long khánh ... trong khi đưa mắt nhìn ngắm phố phường. Cây nhiều, nhưng tôi cam đoan mát là nhờ chè ... nóng húp đấy, đã thật ! Tin không thì ... bảo ? Trong nam, ly trà đá mới thấy mát, đúng không ? nhưng cốc chè anh em tôi uống ... nóng, mới đã khát trời ạ ! Cái cách uống làm tôi nhớ ông nội tôi, cà phê ... đi, uống nóng ... (uống giống chè ... Nam, hê hê, chè ... nam là ngọt lử như "chè" bà ba quậy đường thiệt ngọt không phải "chè"... trà Bắc nóng hổi )... vội , vì ông tôi đổ ra ... dĩa, húp (cho mau nguội !). Uống trà, chẳng có "dô,dô" rầm rộ, trà có cái ... đạo trà nữa (à, trà đạo chứ ?) Thủng thỉnh uống, thủng thỉnh nghĩ suy ! Các trò ơi, làm bài thi đọc đầu bài không vội, thủng thỉnh nghĩ suy, phải có cái tâm ... trà đạo, chứ đừng có ... tà đạo nhá !


trà đi ? thì cũng từ từ, đúng hàng "một tôm hai tép" đã, khéo mời chào ? Xưa, thời "ngăn sông cấm chợ" làm ngày không đủ phải "tranh thủ" ... đi buôn ! Học trò tôi, lính QĐ4, cứ đi Bắc về phép vô Nam là cộ ba lô trà, ba lô thuốc vàng Lạng sơn (kiếm tiền tàu xe chút đỉnh ấy mà ! ). Nhờ học trò mà tôi cũng biết cái hậu trà nó ngon ngọt chép chép (dù khi mới uống eo ơi vị đắng thấy ... bà cố !) và đều đều có thuốc thơm ... phì phèo (thơm râu thầy ! đấy là học trò lớn nói). Chẳng hay ho gì, (các trò nhỏ không được bắt chước) ý tôi kể, là nói " ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, ra sông nhớ suối có ngày nhớ ... chiêm bao !" Đi trà thôi ! (mua bán chuyên ngành ... chui từ Bắc vô Nam: trà, bột mì ; từ Nam ra Bắc: cau tươi là đúng mode đấy !!!) Ối, giấc mơ con đè chết cuộc đời con (con ... này ngôi thứ nhất, không phải con ... kia ngôi thứ hai !). Bây giờ thượng đế bán mua càng nhiều ... container càng hất hất mặt, có mà nhét mà dấu vô ba lô "quân tư trang" cho nhục vai năm thước rộng ... "Bỏ phiền não ! Bỏ phiền não !" Uống trà ngắm thư pháp thôi ! Mà bỏ vô ...? "thùng rác" đâu ? chứ ấm trà bình trà thì nhỏ lắm lắm chứa không hết nổi !"Phiền não là nghiệp chướng của ta, có đâu là .... tội lỗi của NGƯỜI !" (trà nói ! còn Thầy nói : làm bài đừng viết ... thư pháp, thầy không có thì giờ ngắm ra là con lảnh đủ á )


đi ? (đi đâu ?) thì đi tìm ấm, bình để pha chứ ! uống trà phải có ấm pha (tôi không nói ... trà đá, trà bịch ...). Đấy, cụ Nguyễn Tuân cũng có viết về bình trà "gan gà", ấm tống, ấm chiêu .... cái thú chơi thanh cao hiền triết ! Không biết cụ Vương Hồng Sển có bộ sưu tập ấm trà dữ dội như nghệ nhân Vũ Quý Nhân (Thái nguyên) với hơn 300 ấm bình to nhỏ (có cả ấm gà thần ba chân) ? Cũng phải thôi, chở cái lễ cái nghĩa thì phải có bộ, có tông đàng hòang. Đi trà là lễ nghĩa. Tết, đi trà. Cưới, đi trà. "Thương mến không bằng cung kính". Học trò lính của tôi, khi pha ấm trà mới là xông lên phòng tôi í ới mời trà Thầy ! Trường ra trường, Thầy ra Thầy, óach vậy đó. "Nhẩm xà" mà nghĩ, biết đâu uống trà nhiều mà học trò tôi rất ... lễ độ. Bứoc vào lớp, học trò (lớn gấp đôi số tuổi tôi) đứng lên, gở quân hàm cất vào túi, nghiêm chào, rồi mới ngồi xuống, lấy quân hàm ra đeo lại (hì hì !). Có đâu bây giờ " con đứng lên cho .... Thầy chào" mới chịu đứng lên hết mà chào Thầy !


? còn mỗi dấu hỏi ? Hỏi rằng trong mỗi lớp có bình trà được chăng ? Thầy giận, uống trà nhâm nhi cho hạ hỏa. Trò có lỗi, phạt cung kính mời trà cho Thầy mát lòng (xem ảnh mời trà mà thấy ... khóai). Thầy khát, uống trà cho thấm giọng, giảng mới xung. Thầy đói, uống trà cho ấm ách no, khỏi ăn cơm (để lương cho nhà nứơc ... mắc nợ chơi !). Lớp học có bình trà là thấy "thần sắc" ... sư phạm : trường ra trường, thầy ra thầy thôi !


"lẽ đương nhiên" ? (mời xem ảnh)


tPhương (bài viết này ... ủng hộ trà VN, muôn năm)

Đà lạt hội trà

và một góc ... trà !

27 tháng 12, 2006

Từ đâu ánh sáng đến ?

"Ánh sáng đến từ đâu ?" nghe xuôi tai hơn ! Không phải đâu, entry này không viết về ánh sáng, không phải một bài dạy quang học cho học trò tôi. Tôi chỉ định "nhấn, nháy" cái "từ đâu ?": từ đâu ánh sáng đến, đâu muốn lí giải "ánh sáng đến từ đâu" ! Có khác không ? như khi tôi nói " Các em có nghe Thầy nói không ?" - là còn ngọt ngào thương iêu đó -  chứ khi tôi lên ... gân "Thầy nói các em có nghe không ... !" thì liệu mà bảo nhau ... coi chừng cơn thịnh nộ ! à, ừm !


    


Hình như nhà văn Saint Exupéry với Terre des Hommes, có tả về ánh sáng nhìn thấy dưới Trái Đất trong chuyến bay đêm gây cho nhà văn một xúc động tuyệt vời. Bạn tôi lúc thuyền lấp ló xa bờ ứa nứoc mắt nhìn "cái ánh sáng bồn chồn thương nhớ" mà tê tái buồn tuyệt vọng. Và "thế hệ thứ tư" vỗ dàn trống làm bằng thùng thiếc tự tạo ở Củ Chi, đánh cho lửa bập bùng cao lên hực lên mà sánh với vừng sáng thành đô bùng một góc trời ! Ánh sáng và ánh sáng, phải đâu từ đô thị phố nhà - mà nơi có con người đó?


Tôi một lần từ Hà nội về thành phố trong chuyến bay đêm. Li ti bao là ánh đèn tuyệt đẹp, bao vì sao dưới đất lấp lánh - nhìn từ trên xuống -  như đính trên vuông rộng vuông dài khúc bản đồ thành phố mượt đen thảm sa tanh lóng lánh cẩn kim tuyến lúc xa rồi thóang chốc là cẩn ngọc lúc gần. Ở mỗi ngọn đèn xanh đỏ, sáng choang hay vàng vọt đó có một mái nhà - là con người đó ?


Tôi một lần (năm 78) trên những chiếc tát ráng cho học trò rút quân - đi cứu bão rồi ...trốn bão Môt, hai giờ khuya, gom quân chạy thục mạng trên sông Tiền, ven bờ những cây bần và hàng hà vô thiên lũng là đóm đóm, lấp lánh như dàn đèn Noel làm tôi kinh ngạc sững sờ. Đẹp, dù đang chạy đua thục mạng với con gió, cũng vẫn thấy đẹp. Ánh sáng đến, từ nơi con người thấy ?



Hôm 23 này, vừa xong tiếng chuông thu bài thi , tôi đã chểm chệ trên chuyến xe tối lên Đà lạt !Ánh sáng đến, ánh sáng vây bủa, ánh sáng đua theo xe trải dài, dài hàng chục km khi vào địa phận tỉnh Đồng Nai ! Bạn ơi, mê ly luôn, tôi thấy chuyến đi chơi này của tôi có ... vốn rồi đấy ! Tháng trước, bạn rủ, Noel này qua nhà bạn (bên kia cầu Nhị thiên đường) chơi , coi giáo dân ăn Noel nguyên cả khu phố con đường. Ừa, à nghe nói rất to, đẹp, vui lắm. Nhưng tôi cũng không tiếc lắm đâu vì đây, tôi cũng đang ngắm những cung đường với ánh sáng tuyệt vời như những thiên sứ gieo vào lòng ta ứ hự bao điều vui, nghẹn lời ! Ai thắp lên những dàn đèn hay quá. Ai thắp lên bao la  niềm vui lung linh quá. Ai trang hòang những con hẽm, mà xe vụt qua, vẫn thấy được tận cùng hàng hàng đèn sáng lóang nào hang động, máng cỏ ... như thấy suốt cỏi Trời đang mở toanh cánh cổng ? Từ đâu ánh sáng đến, chắc là trên cao ... ?


Trưa 24, ở nhà thờ Domain 14:00. Tôi tình cờ - là khách qua đường - được ngắm buổi sinh họat của các em lớp giáo lý. Từ đâu ánh sáng đến ? Đây rồi, tiếng cười níu chân tôi, tiếng reo của các em, tiếng vui của các soeur, tiếng ... ngọai quốc buồn cười của ông già Noel, tiếng nhạc ding dong của Noel ? Còn gì bằng cái ánh - sáng - là - âm - thanh này. Và ánh mắt sung sướng hớn hở của các em. Cái ánh sáng chớp chớp hạnh phúc trong vui này. Rất thật, tôi khoan khóai vô cùng, nhấp từng tí chưa vội tan, hưởng chứ, hít hà, ôi cuộc sống thương mến thương ! (quên đi chuyện đời tào lao ... ! khà khà) "Ta là vua..." các bé ơi, cho thằng ... già ta chơi với ! Từ đâu ánh sáng đến, chắc là từ dưới thấp, từ những đôi mắt ... bé ngoan ? 


  


  Khuya, 24, ở nhà thờ "Con Gà". Ánh sáng đêm nay huyền diệu, từ bao năm cũ rồi Đêm Thánh Vô Cùng xưa vẫn mới với thêm nổi niềm xúc động nữa kìa ! Hà hà, ông già Noel không có tuổi, vẫn thế với cuộc đời, chẳng bạc thêm râu tóc ... Bỗng "con ơi dẫn bà qua đường giùm", một bà bán hàng rong nói. Tay dắt người qua đường, tôi nghe tiếng vợ tôi cười   "hôm nay anh được trẻ ra !" Con ... trẻ.


Từ đâu ánh sáng đến ? Từ thiên sứ  trên cao ? Từ ánh mắt trẻ thơ ? Từ ánh lửa của trái tím ? Từ bàn tay ? Xin đừng một ai trả lời,  cho một thời lý trí ... ngủ ngon ! 


tPhương

Chùm Noel

Một, (Tagore viết)


tay xiết trong tay, mắt vờn theo mắt, từ đó lịch sử tâm tình đôi ta bắt đầu. Đêm ấy là đêm trăng đầu xuân, hoa ben-na thơm ngạt ngào lan trong không khí. Chiếc sáo anh thổi nằm trơ trên mặt đất, vòng hoa em kết vẫn chưa xong. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bai ca.


... chúng mình không quờ tay với khỏang không để tìm điều ngòai hy vọng. Thật đủ rồi cái ta cho và cái ta được. Chúng mình đã không bóp nghẹt nguồn vui, thật nghẹt để vắt ra men rượu đau thương. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca.


Hai, (B.H viết) 


Calgaty, Dec 04, 2001


Anh chi P.N. thân mến. Một năm nữa sắp hết. Giáng Sinh sắp đến - sẽ đánh dấu năm thứ mấy từ ngày anh chị có nhau trong đời ?! Ngày tháng qua nhanh - mới đó mà mình đã chia tay gần 20 năm. Cứ nghĩ mà thấy ngậm ngùi - tiếc nhớ về những ngày xưa - sôi nổi và đầy mơ mộng !


Cuộc sống có biết bao thăng trầm - con người cũng trải qua bao thay đổi ! nhưng cuối cùng nghỉ lại mình vẫn còn nhiều may mắn vì vẫn còn giữ được những tình cảm bạn bè - thân tình - như ngày nào.


Mong lắm một ngày được gặp lại & ôn lại tất cả những kỷ niệm xưa, ở chốn cũ. Gửi về anh chị chút tình thân ái, để hâm nóng lại những tình cảm bạn bè trong cuộc đời. Tối 24/12 hai anh chị ráng dành chút thì giờ, đi lại những con đường ngày xưa mình đã đi, để nhớ lại những gì mình đã dành cho nhau từ thời xưa cũ. Ở đây em sẽ dành vài phút để tưởng tượng, ngày ấy năm ấy ...


Chúc anh chị một Giáng sinh vui, hạnh phúc. Một năm nhiều may mắn an lành. Em B.H 


Ba (Ta viết cho ... ta)


Hình như hôm thứ tư ta nói với O (bạn H): kỉ niệm bao giờ cũng là chất sống của mình cả. Ừa, mình chẳng bao giờ cô đơn nếu còn ... kỉ niệm. Hôm thứ tư đó nói với H và O rất nhiều về năm học đệ nhất : VTT thân yêu và TV ... dễ ghét như Quốc học và Đồng Khánh ! Nào những ngày vừa qua Noel và không khí tết rạo rực đang gần đến , nào làm báo, những buổi bán báo, những đêm văn nghệ liên trường ! .... Nhắc chúng với những tên bạn "láng giềng" ở "công viên lá vàng" con đường có hàng me chạy dài tuyệt đẹp,... cũng chỉ là kỉ niệm là để nhắc mà thôi ! Mà vui, nhớ lắm chứ !


Nhớ con ngựa đen (đen khúc đầu, xanh khúc đuôi, Q đặt tên cho chiếc vélo solex của ta là "hắc thanh mã" - nghe cũng "kiếm hiệp" lắm ái chà !) có chàng hòang tử "bé" đi tìm nàng công chúa. "Xuân hồng có chàng tới hỏi. Em thơ chị đẹp em đâu ... " Tìm đâu mộng. Lãng đãng trên con đường Cường Để, tìm tuốt qua trường ... Văn Khoa (bỏ qua VTT , qua luôn TV ... "dễ gheét"). Vào giảng đường những giờ cours trống vắng. Sáng trời rét (đã bảo Noel, gần tết mà) kìa ai nhỏ xinh trong  áo len trắng, yamaha xanh ở ngả tư  trước cổng trường, rồi ai vào cuối giảng đường 2 thêng thang bự ! Hay tên ai nhảy múa trên cuốn tập, bài học địa lý ... N... i ...


Đứng ở đây (thì này) mà chia lại thì qúa khứ, tội nghiệp qúa. Thời gian ơi, cuốn lại  bức tranh đang phất phơ trong gió thỏang ẩn thỏang yên. Trong con nắng cũ xuống màu, mãi ta thấy bức tranh xưa đã mờ lại trong kỳ diệu ! Tô lại bức tranh Noel chúng ta cùng vẽ tuyệt thật, cái hay là có em trong mọi kỳ niệm của ta, ta và bạn bè ta, có em quyến thương chia cùng, chia chẳn chia lẻ mặc cho giòng đời dù buồn dù vui hay cái gọi là hạnh phúc xoay ta !


Đứng ở đây, Noel này vẫn thấy Noel xưa ? Bò bía biết cười, cuốn to tét bể thì cười pể bụng mà cuốn nhỏ không nhưn cũng hi hi cười, cười không ngậm miệng nổi ? Cười như nổi vui trong lòng thóat rất lảng xẹt, vu vơ ...  trời đẹp, ...Noel tuyệt ! Cái mặt tươi  .... cười, ánh mắt sáng ... cười. Có phải gương mặt em trong đó, dáng em in trong mắt ? Và nếu ta "đớp" em trong miệng, có khoan khóai ngọt ngon, để ta lo ... ngậm miệng "chép chép" hay như "phùng + há" vẫn khóai tỉ tỉ ... "cười + ngậm miệng"  được như thường ?


Bạn bè chúng ta xa xôi qúa, có ai cùng  ... cười (khúc khích ?) cười "lão ông ông" "lão bà bà" chăng? 


tPhương

18 tháng 12, 2006

Có lạnh không Noel ?


Đêm qua trời lạnh tôi không hề biết, 12 giờ đã ngủ với một vốc thuốc cảm, dị ứng, bổ béo ... thuốc ơi ! Sáng dậy thấy se lạnh. Ừ, chắc là tháng Mười Hai ? Dù tháng Mười Hai cũng đâm nghi ngờ, "có phải" "có chắc" hình như là gió mùa ... noel ? Ngờ, vì lúc này bão cứ tứ lung tung, chưa qua trận càn này đã lăm le hình như muốn ! muốn lục cà lục cục "hội nhập" cho tan tành xí quách, muốn "hòa tan" cho lạnh lẽo áp thấp nhiệt đới thêm chiếc áo xiu xiu ! Không, tên bão ta đã đặt cho mi là "cu Sún" rồi, giống đực, khỏi sanh với đẻ gì ráo nhá ! Ta mua cho mi "mấy cái kính" rồi, có MẮT - đàng hòang - nhé ! Ta dặn học trò bơm một lố tim nylon sắc sắc màu màu rồi, có TÂM - tử tế - nhá ! để "bình an dưới thế cho người trần gian ..." người người hưởng cái gió mùa Noel ..., gió mùa "thiệp cưới" đều đều (mỗi tuần 1, 2 cái, mà ngày càng ... nhanh dần đều) cho tương đầy hạnh phúc tràn Trái Đất này (là của ... chúng mình ?) và hưởng "thương nhớ Mưới hai" (của nhà văn Vũ Bằng !) thật ngon ngọt lịm sướng đầu môi. Gió mùa Noel rồi !

Còn đêm Paris mấy độ ? Calgary ? Okholama ? Đã mấy mùa Noel từ khi có con, có học trò, có bè bạn ngàn trùng xa xứ mà tôi không chia bớt được cái lạnh giá, cái lạc cách tinh cầu, cái vô vọng nhớ ngày xưa ăm ắp tình thân đến tủi thân đã lạnh càng thêm giá ! Làm sao "gửi cái nắng Sàigòn" cho những người thân thương được ? Có đứa con gái nhỏ xa nhà tái mét với căn phòng chuột chạy, không giường chiếu, không sưởi, cuộn run trong bao lớp áo có được kể cả áo mưa ! Bạn tôi M.C ! Rồi con tôi T.N ! Hay còn đứa học trò nào mà tôi không biết ? ... bé lọ lem ở xứ người cũng tội nghiệp như "em bé bán diêm" ! Bà giáo của bạn tôi nhìn sắc mặt bạn, một hai lôi về giúp này gíup nọ. Do you believe in Santa Claus ? Như là Noel ?

Trưa này ngòai trời mấy độ ? Có phải như mình đang cảm, vẫn cảm một chút lạnh, một chút gió se se, hiếm hoi ở miền nam - lộc qúy của trời như cái rét nàng Bân cho chiếc áo đan lâu không kịp mùa gío bấc thì giờ đây được dịp mặc. Buổi trưa không nóng và cũng không nắng. Ừa, ta gửi cho người, cho người hết nắng vàng Nam ... bộ, nắng bừng tươi ánh mai vàng vẫn khác nắng đào phơi sắc trời Hà nội. (sắc màu thiên nhiên phối, hợp đến tận cùng chân tơ tóc). Cho đi như bù đắp thật thà, vì nhớ thương trĩu nặng chỉ nhẹ vơi lúc xum vầy. Cho đi giống như um sùm bao là thiệp học trò, bao tung hê lời chúc thương yêu, vậy mà vẫn không đã, thật thà cho hết vẫn còn hòai ! Cây Noel đâu đâu cũng óng ánh ! Noel mà !

Trong nhà, tiếng nhạc rót. Tràn một Noel. Chỉ một Noel gặp và ... mê. Đã cảm từ mấy mươi năm nay rồi , cảm thương ... nàng, nào phải "cảm hàn" ngày hôm qua ! Một là đủ tràn yêu thương. Một, những người bạn vỗ tay và đếm là hai, là ba, là chục ... là mãi ... Mãi những lời chúc, đếm thêm là chất thêm hạnh phúc của party năm nào cắt nghĩa yêu đương. Bài nhạc "Âm Thầm" không lời, vâng thì ... âm thầm sao có lời, bổng hiển ... thánh ca ? Ta và em dương trần tay nắm tay ... Đêm Noel ! Bắt đầu của tình yêu, bông tuyết lăn, cuộn theo ngày tháng, lớn dần mà cũng nặng dần bở hơi tai với ù ù cuộc sống - cuốc xích lô, kệ thuốc lá, chảo ô mai - ta và em bờ vai ... gầy guộc nhỏ ! Cây Noel trong hồn ta lóng lánh reo vui ! Noel !

Có hỏi : Đêm nay trời sẽ lạnh ? "No" ! Những em bé mồ côi, những trẻ con đường phố, những bệnh nhân trại phong ... chắc là nhận ra Noel thật sớm, vì, những người bạn quen và không quen của tôi, đang bận rộn thắp lên que diêm cho ngọn nến.
Gọi là Noel.

tPhương

10 tháng 12, 2006

Lá thuộc bài.


photo tre chan bo- lam hoai

Lá thuộc bài.
Có "xạo" không ?
Không "xạo", có !

Giang hồ có hắc bạch lưỡng đạo. Lòng tin cũng thế, có phe có phái hẳn nhiên ! Bạn tin hay không cái tác dụng của lá thuộc bài ? Hỏi, chẳng phải là để truy tìm lai lịch của lá thuộc bài, hay vòng về qúa khứ câu chuyện cổ tích nào đã gắn cái tên rất học trò ấy làm chết tiếng một lọai cây, hay đi tìm cái chân giá trị "thật, giả" khoa học đàng hòang..., Chẳng làm gì cả, mà chỉ thử ướm một thước đo cho ... lòng tin ! Tôi đã "ngẩu hứng" hỏi học trò, hỏi giáo viên và ngùi ngùi phát hiện ra cảm giác bâng khuâng ở chính mình khi nhận được câu trả lời !

- Thầy ơi làm gì có !
- mà con có biết "lá thuộc bài" không ? Tôi hỏi gặng
- biết, ở trước phòng cô B. có 2 cây đó Thầy.
- trông nó giống như cây ... san hô ! (12A3)
- mà không có tác dụng gì đâu Thầy ui ! (nhóm học trò 11A10)
- Thầy hỏi chi vậy Thầy ? (12A3)
- để tặng các con ... (không phải là câu trách ... "móc" học trò lười nào ở đây, vì tôi vơ vẩn kỳ thi học kỳ sắp tới của chúng thôi)
- hi hi, Thầy có thì giờ học bài giùm con, chắc ăn hơn Thầy ui!

- Cô có bao giờ thấy cây nầy nở hoa ? Có bao giờ gặp học trò lén hái ... trộm ?
- (Cô B. nhìn tôi một lúc) Học trò bây giờ khác rồi anh ơi ! ?
Có lẽ tôi bị ... hẩng giò, ý tưởng định phỏng vấn là, vừa là giám thị và nhà giáo Cô sẽ xử lý ra sao khi phát hiện học trò trường mình lén trộm "lá thuộc bài", ừm ừm ...
- (Cô chủ nhiệm 11 ... ngồi gần đó, ngước lên nhìn tôi cười) Hồi em học tiểu học, em nhớ ba em chạy đi tìm, cực lắm, chạy tuốt lên nhà thờ Đức Bà hái lá thuộc bài cho em ép tập ....
Ôi chao, tôi lắng nghe, một kỉ niệm thú vị, rất rất đẹp ... mà không chắc thế hệ con tôi, học trò tôi có ... đồng cảm, chia sẽ được chăng ?

"Lá thuộc bài" "Lá thuộc bài" Tôi ngồi ngắm, đinh ninh, thì lá thuộc bài, đúng. Bỏ qua cái tên kêu như câu thần chú, như thuốc trợ lực ... an thần, nhìn càng kỹ thì càng thấy ... thuộc bài !

Này nhá trong các thứ lá có lọai lá nào chỉ đường vạch hướng như lá thuộc bài đâu ? Không phải như một phiến lá đặc kịt, mà nó xòe tay vạch lối đàng hòang. Nhìn cả một phiến lá ta như cảm giác ... tối tăm thấy rừng không rõ cây; còn nhìn lá thuộc bài xẻ nhánh ta như thấy cây chia hàng tẻ lối rõ ràng. Nhìn trang giấy kin kít chữ mà không dàn bài, không sơ đồ tóm tắt ý thì khác nào thấy đi lạc giữa rừng mù. Thấy gì mà thấy ?

Nhìn kỹ nữa đi. Học trò tôi nói cây lá giống khóm san hô xanh lục ? ý tưởng ngộ há ? Tôi nhìn một chiếc lá thôi, mỏng dẹp, y như bộ xương con cá nhỏ. Quăng bộ xương này cho ... mèo gặm thì chắc mèo cũng ... chê. Còn gì mà gặm ! (sụyt, coi như chú mèo không biết bộ xương ... thực vật, xương ... chay).Vậy đó, chữ nghĩa trong trang sách mà con gặm hết "nghĩa" rồi, trơ còn con chữ, quăng ra đi thi, bảo đảm con thuộc bài "xiềng" luôn là hẳn nhiên ! Đúng lá thuộc bài chỉ con cách học, gặm cho hết nghĩa (hiểu hết ý), cho trơ xương cho hổng chừa cái gì để mèo gặm hết (chứ Thầy không xúi con học ... trơ xương !)

Không biết học trò có thấy lá thuộc bài ép trong sách có bao giờ cũ màu ? Xanh um, mới. Thì đồ đạc ngày nào cũng tân trang có bao giờ cũ được. Ngày nào cũng cầm tập ra ôn là tân trang đó, bài thi sẽ đẹp không vì mới, mà vì ... lá thuộc bài !

Hỏi con có tin "lá thuộc bài" không, cũng giống như hỏi " con có tin có ông già Noel không ?" Nguời lớn tin có nó để tặng các con, dù thế hệ mới (khoa học)... có khác !

Còn mà con vẫn cứ nhất định nguẩy nguẩy, thì Thầy chỉ cho "lá ... học bài" Có đấy!

tPhương

07 tháng 12, 2006

Bão ơi, xin mây mù hãy tan !

Bão ơi, xin mây mù hãy tan ! (wed 6.1.06 01:54pm)


Khuya hôm qua lúc gần 1 giờ, dẫn xe ra chạy ngòai đường tôi nhận những giọt mưa như bụi bắt đầu thổi vào mặt. Rồi à, hơi hướm như mùi ... bão tới ? Sáng sớm mưa, đến trường đang lúc mưa tầm tầm. Bầu trời màu xám đen hệt như chiều sập tối, không tin được đang là buổi sáng : bão ... khủng bố tới rồi a ! Vào lớp, buồn ! Nhìn xuống lớp thấy vắng, thấy học trò đang co ro trong áo ấm, bổng dưng làm mình thấy ... lạnh ? Phải chi khóac theo cái áo ... Liệu là có đỡ lạnh hơn không ?



Hôm qua đứa em bên Bình Thạnh (xa xôi gì !) gọi điện thọai em không về vì ... bão (chưa tới !), thật buồn cười ! Tôi tưởng tượng, tôi hờn mát đứa em ... chảnh thế ? Sáng vào lớp nhìn học trò thu người trong áo ấm, dưng không tôi buồn, tôi lạnh ? Tôi ngồi gần, nói chuyện với học trò. Cái lớp vắng mấy đứa ! Bầu trời xám. Giọt mưa khóc. Đến giờ chơi vẫn vậy. Đèn dãy hành lang sân trường phải bật lên. Có ai đi ngang, nói với tôi "bão mà !...", tôi chưa kịp nhận ra câu nói, tôi chưa kịp nghĩ nhận ra chung quanh, chỉ nhớ hình như mình có ... cười cười, thay cho chào, thay cho trả lời ! Ừa, thì "bão", cười cười ... vô duyên !



Trong căn tin trừơng, các bạn đồng nghiệp uống cà phê "tán" SG không có bão, nếu có thì cũng tan vì đồng bằng trống lốc, không tụ như miền trung, bão quay bão đánh xà quần vì dãy núi dựng ngăn ! Đúng chứ ! Ở SG , khi tôi còn nhỏ, nhớ - rất lâu rồi - tôi được nghỉ học vì bão, còn nhớ mình được ăn cơm với cá khô, lúc nào cũng cá khô ... muôn năm mà không hiểu tại sao ! Mơ hồ đã bao nhiêu năm rồi nhỉ ?



Em ơi, thử chui ra khỏi cái ..."an tòan khu" để thấy những cuộc đời đứng với bão, chạy bão, và ... tan tác với bão. Em ơi, gấp chiếc áo ấm lại thử xem, cũng chẳng lạnh bằng những bà con đồng bào mình đang lóp ngóp, đang giờ đây trú đâu cũng gọi là nhà, mà khóc nhà mình chắc có còn là nhà đâu !



Em ơi, xin đừng "nhón ngón tay vo tròn qủa phúc" với một ngàn đồng một người, lớp 32 trò đúng 32 ngàn cho ... có phong trào Đòan, như lớp P2 tôi từng chủ nhiệm. Những đồng tiền có ... răng, cắn nát hồn tôi và đau cái tình ... thầy trò !



Cũng bởi, trận bão dữ dội năm Thìn khi xưa ở Vòm Láng, Gò Công quê tôi năm đó đã quét ... ,
Chỉ còn một đám giổ chung, tất cả, một ngày !



tPhương

03 tháng 12, 2006

Phấn 8 Phấn

Nghe như lao xao tiếng xì xào đâu đó ? Ông Thầy căng mắt ra ... nghe. Thì phải tìm kiếm phát hiện nguồn âm ở địa chỉ nào " xóm nhà lá" hay "xóm mặt tiền" chứ ! Lạ nhỉ , học trò cứ cắm cúi làm bài không hề nghiêng ngó, hê hê ! Có tiếng vi vu theo cánh con ruồi buồn trưa nóng đi tìm kho thực phẩm ở cái hộc bàn nào đó, phải nó chăng ? Không phải tiếng vi vu ... đó đây này. Âm thanh di động thì phải kèm hiệu ứng Doppler tần số thay đổi veo véo cơ. Thôi đừng đứng ngong ngóng, "hạ cố" an tọa ngồi, rồi vễnh tai áp lên bàn, phen này ông Thầy nghe rõ rất rõ ràng :

- ya, nghỉ khỏe anh em ơi !
- yaaa !!! tiếng bầy đàn rú lên, rồi tiếng cục cựa lào xào râm ran lên
- cộc cộc !!! (tiếng gỏ)
- này, này , các bạn đừng có mà làm phiền ... người trí thức chứ (hừm, nói ai dzậy, các gương mặt đang nghiên cứu đề thi ở dưới kia hay cái mặt đang ... ngâm cứu mặt bàn giáo viên trên này ?) Ông Thầy chỏi con mắt lên mà tìm ...

Tìm em tôi tìm ... A, đây rồi, dù có hơi nhưng nhức con mắt nhưng ông Thầy thấy hết á ! Chúng nè : cũng đồng dạng mình hạc sương mai thôi, cũng khẳng khiu que củi, nhưng đến cả gần trăm tên thu lu trong khối hộp vuông vuông !

- sụyt, yên lặng cho các anh chị làm bài chứ. (lịch sự biết điều đó, đúng là đồ ...văn hóa)
- thì mới nháo lên tí thôi mà, chứ tiết này "thất nghiệp" lấy gì mà ăn ...
- ôi giời món "Bảng" để xơi ấy à ? anh em nhà ta cứ được ông Thầy khen cho là "phấn ĂN bảng" mà hộc hộc táp lấy táp để, đến tàn đời cái tên Bảng nó vẫn cứ trơ trơ ra, có mà ăn được Bảng, lại còn bị phủi phủi trêu ngươi anh em mình nữa chứ !
- kít kít ( một giọng phẩn nộ), ta thì cứ rạch mặt nó cho bỏ ghét.
- két két, ối bạn chỉ phớt phớt cái mặt trơn lu của nó thôi, rạch gì được mà dọa
- bôi trây nó ... (tiếng nhao nháo lên), trây cho nó xấu mặt !
- hứ, đen thui lui, cái mặt xấu, bôi với bác chỉ tổ đánh phấn cho nó thôi !
- cũng tại các bác, màu với mè xanh đỏ cho nó đẹp cái mặt ... phấn !
- này , này thế trắng với trẻo không tô cho nó bớt đen chắc ?
- ừm, đừng có vặt nhau thế, trắng màu gì cũng cái hội nhà ta ...
- ... đẹp ! (tiếng cười khúc khích)
- ừa, thì khiêm tốn tự hào đấy ! Không thấy Người ta tổ chức thi "nét đẹp phấn trắng" à !

Ông Thầy (nhức mắt) thấy mấy em phấn trắng xí xọn bước ra nhún chào, xoay một vòng, í ôi, trước sau như một ... thẳng đuột. Cười bể bụng, có em phấn nào có ... eo ?
- này, đỏm đáng thế, cứ như không có tuổi ?
- tuổi là thế nàao ?
- ừm, (có giọng trầm ngâm ...) Người ta ai cũng chỉ có một cuộc đời dù dài dù ngắn. Mà ông Thầy mỗi khi viết bảng bẻ tớ làm hai, hichic, tàn cuộc đời này vẫn còn xuân sắc ... cuộc đời kia (khà khà, thế mới là ông... thầy pháp !)
- ừa ừa, (có giọng đồng họa), trong tay ông Thầy già nét mình giun bươi gián múa cứ như cụ lão run run, thế mà đến lúc trong tay cô giáo mình lại thấy trẻ ra xinh như ... TV ấy chứ ! (hứ, hứ, ông Thầy tằng hắng)
- này thế còn lúc mấy cô cậu học trò nhỏ không thuộc bài bộ các bạn không thấy.... già run sao ? (hay, 10 điểm)
- nịnh Thầy, nịnh Thầy ! đằng ấy là phấn đỏ dựa hơi Thầy được gạch được xóa anh em mà ! - giọng trách móc - (ờ ờ, tội nghiệp, ông Thầy chép miệng, ta phải ý tứ thôi, không trịch thượng cầm phấn đỏ gạch xóa vô tư nữa, ta khoanh lại để ... đấy - à để sửa )
- thế lúc trong tay bạn học sinh giỏi thì bạn bảo sao ? chẳng phổng mũi khi tớ phát cho mấy sao đỏ í à (đúng đúng, phấn trắng viết bảng hay phấn đỏ đánh dấu khen, khoan khóai vô cùng, cái này gọi là "song phấn hợp bích" ... ) Ộng Thầy qươ hai tay "song phấn" rồi "hợp bích" một cái ... bịch xuống bàn, viên phấn chong mí mắt cho khỏi sụp nảy giờ tưng lên... rớt xuống !

Học trò ngơ ngác ngước lên nhìn ? Ông Thầy ngỏn ngỏen la "Thấy Thầy ngủ gục sao không gọi ?" (may mà H.T chưa rảo qua, đừng có ai "méc" nhé !)

tPhương

24 tháng 11, 2006

Xưa. Nay.


Xưa, Nay. November 24, 2006




"Con vỏi con voi. Cái vòi đi trước. Hai chân trước đi trước. Hai chân sau đi sau. Còn cái đuôi đi sau rốt". Ngẩm mà chí lí. Rất tôn ti, rất lớp lang trật tự, "khí thế" thuận thiên không nghịch đạo. Thử cho cái đuôi ngún nguẩy đi trước, cái vòi đi sau thì còn gì cái "dũng" cái "hùng" ... bốc trời ông địa, mà thiệt có ai thèm sợ con voi đưa ... cái mông "bị đòn" đi trước đâu ? Tôi nói có phải ? Cái vòi đánh hơi, cái vòi chỉ hướng cho bầy đàn, cái tai phe phẩy rất tự tin, chân trước tiến chân sau lên vững chắc nhỉ ? Hình ảnh "ông voi" hay thật đấy. Đến voi đất của ... Trạng cũng khéo là hay. Này nhé cái vòi uốn éo, cái tai biết phẩy phẩy, cái chân biết ... bò, cái hồn biết khóc đỏ mắt đến xịt khói cho rừng ... Ban Mê,. Ô, lại không tin (mở sách Trạng VN mà xem, chứ lên net sục tìm thì "not sure") Cái vòi được gắn con giun, cái tai được gắn đôi bướm, chân được gắn bốn con rùa (nên đi có hơi bị ... chậm ?), đôi mắt gắn chân nhang cháy đỏ (nên khói nhang nghi ngút, đã đã !). Dù gì tôi cũng thích con voi của Trạng hơn là con voi bong bóng nhốt trong sờ thú Đông âu của nhà văn Ba lan Slawomir Mrozek để dạy học trò là voi nặng lắm đúng nhằm lúc bong bóng đứt dây, bay !



Voi Trạng thì rất xưa. Bởi xưa nên tôi dám cá thủy tổ Robot ngày nay là "voi Trạng" đó. Ở Nhật còn đang chế robot thế hệ mới, gắn chip ... sinh học để có linh hồn, có tình cảm. Há là voi Trạng từ xưa chưa mang linh hồn "sinh học" đó sao ? Thổi linh hồn rất VN, rất Trạng đó vào sợi dây thun (một chi tiết máy của robot VN) để vang danh rền rả trong trận thư hùng Robocon mà trận nào cũng thắng, ba năm liền vô địch ! "Anh hùng" ngất ngất mà học trò của tôi ơi, con thích xem đá banh quốc tế, biết hò hét, kéo cờ, hội xe khi VN gặp Thái lan, thế con có khản cổ gào cho đội Robocon VN mình, có dương cờ có rầm rập dong xe đầy đường ? Tôi post lên web bao nhiêu tin robocon http://gvphuong.googlepages.com , có được bao nhiêu hoc trò vào đọc hay mãi xem "thi hoa hậu" (... hoa hậu phường cây mít - http://phuongmk.googlepages.com ) Hic hic, nay đó, ai hờ ai hửng dù xưa ai thơ ai dại cũng từng thích chí với "voi Trạng" nhà ta !



Buồn, bỏ qua. Chuyện "xưa, nay" này chắc sẽ vui hơn. Xưa trước nhá. Tôi kể cái thời chúng tôi, chuyện thư tình yêu đương - chuyện ... khó nói, mà đưa thư thì còn ... khó hơn ! Tứ bề thọ ... địch. Gửi bưu điện bị ... "kiểm duyệt" là ... xong ngay "hai bác ơi con ở bụi này" ! Hồn tương tư thì đựoc, chứ "diện" khó tương phùng ("nam nữ thọ thọ bất thân" là vậy đó) làm sao trao thư "thay lời muốn nói" ! Con cái tôi kinh ngạc, không tin vì thời đại chúng là "con cái đặt đâu cha mẹ ... ngồi đó !" hichic ! Để nhận thư nhau, chúng tôi phải có ... gián điệp làm nội ứng. Em gái tôi, em gái vợ tôi bị mua chuộc ... bởi mối tình ... Roméo , hay ... mũi lòng bởi cảnh "chức nữ mưa ngâu" hoặc là nổi máu anh hùng thấy chuyện bất bình ... không tha ! mà tình nguyện làm liên lạc đưa thư. Thật là thú vị, romance ! Tôi cho là tuyệt ! Vậy mà nay chính tôi chứng kiến câu chuyện thời "a còng" cũng thú vị không hề chịu ... kém ! Ngày 20.11 trên chuyến xe đò Ph.Tr từ Đà lạt về (bác tài M. phụ trách xe bạn Tr.) tôi "ghi âm" nguyên cuộc điện thọai này : (chỉ ghi được bạn Tr. nói thôi, còn đầu dây bên kia tùy bạn tưởng tượng)



- ...

- alô, anh đâu có đi chậm đâu, tại xe đi chậm mà.

- .....

- em đứng ở đâu, xe đến Bảo lộc rồi

- .....

- không, em nói tên bảng hiệu nào chữ thật lớn đó, đừng đọc số nhà ...

- .....

- ừa, ừa, mà em mặc áo màu gì ?



Đến đây tôi thầm nghĩ, "dô duyên" thân ái với khách hàng sao mà ... qúa đáng, chắc là đón khách nữ đây ? Thì bổng bạn Tr. đưa tay lên vẩy vẩy "anh thấy em rồi". Tôi nhìn theo, thấy cô gái bên đường cũng vẩy vẩy. Mà lạ, xe không dừng ? Bạn Tr. gấp lại điện thọai, hể hả nói với tôi (hay nói với ... chính mình ?) " tội nghịệp, đợi 4 tiếng rồi " Hả, 4 tiếng ra đường, để gặp ... thóang vèo, để gửi cái vẩy tay, để thấy tội người mà sướng lâng lên ... thiên đường ? Vợ tôi chắc cũng đồng cảm (chuyện gì chứ tình cảm là phụ nữ nhất thôi) thêm một câu :



- chưa kể 2 tiếng ... trang điểm !



Thì phải chọn áo nào cho nổi, cho người yêu dễ thấy, kẻo "áo em trắng qúa nhìn không ra".



Bạn cứ tự nhiên .... chấm điểm, XƯA & NAY. Còn tôi đi hái hết hoa dã qùy mùa này trên Đà lạt tặng cho tất cả những người đang yêu !



tPhương

Một ngày.


Một ngày. November 21, 2006



Một ngày sinh nhật. Có ai hai ngày sinh nhật bao giờ ? Không cần kỳ kèo bớt một thêm ... hai nhưng tôi hưởng đúp đến hai ngày liên tục thay vì ... chỉ một, hi hi. Qua 20.11 sáng hôm sau thức dậy,mừng thấy mình còn ngày ... sinh nhật. Còn ngày dài còn tình đầy (xin phép nhạc sĩ Quốc Bảo). Còn học trò còn ... nhật xinh (ngày qúa đẹp !) Một sướng !

Lòng cứ đợi dù không ai hò hẹn. Mà gặp nhau đó. Tôi gọi là ngày ... hạnh ngộ, gặp và hạnh phúc đong đầy (nắng hạn gặp trời mưa , không phải ... ruộng muối gặp trời mưa ?). Hai sướng !

My A2, duyên sao ta gặp ta ! Ta là Thầy. Ta là A2. Cái lớp A2 : Lý lịch trích ngang nè 9/52 đứa con trai dân tộc thiểu số gọi là cửu long (cũng là cửu ... vạn của đám yêu nữ). Ý thích "chuyên ăn". "Hồn thiêng" nghịch ngợm, dám gọi thầy bằng bí số ...53 bét lớp, dám tổ chức ... trái phép chạy xe vòng vòng trong sân trường để khóc ròng ròng trong ngày xa trường và cũng để bị H.T tịch thu ... phiếu báo danh dự thi tốt nghiệp (em không muốn ra trường ?). Chuyên gia "tổ chức" ăn chơi đình đám cũng là A2 : đón rằm trung thu như đám đình, đón Y2K hòanh tráng ... dài xuyên thế kỷ, đi Cần giờ, Mũi né, Đà lạt ăm ắp kỷ niệm nặng xe, làm đám cưới, tiễn đi học, đón về nước, dịp nào cũng là dịp "ăn phẩy chơi" ... thiệt chứ chẳng phải nữ ăn như ... miu (ăn chơi chơi). Còn "chuyên môn"giỏi ... đều (cực kỳ chưa !) "Thành tích" hả ? :á khoa TP (tốt nghiệp - tú tài), huy chương Olympic chiếm hơn ...1/2 trong tổng số trường nhặt về, hs giỏi nhất khối cả 3 khối 3 năm liên tục (tức là A2 ... cầu bại chứ không thèm ... bất bại), học bổng quốc gia sau đại học qươ ... vài cái. Chuyện này mới nghe báo mà ... Ba sướng !

Tiếp, nhắc chuyện cũ với nhau. Năm một ngàn chín trăm ... hồi đó (đúng ra 1999) thầy trò xin phép làm báo như nhật ký lớp, làm kỷ yếu để khoe ảnh điệu, không được (lớp này làm được lớp khác làm được thành ... dịch, không khuyến khích), vậy mà cũng khóc cũng đi "tư vấn tâm lý" cũng "méc" phu huynh !!! Giờ (năm hai ngàn hơn) blog đó, viết đi, (quên, không biết có phải "xin" ai, và ai "cho" không nữa (chứ phải "xin" đựơc làm gv ... giỏi thì mới được "cho" làm gv giỏi, đúng thủ tục hành____ chánh là thế đấy, phải không các đồng nghiệp ?) Ta xin yahoo, là yahoo cho ngay blog, để viết. Bốn sướng !

Rồi, học trò A2 thu dọn ... chiến trường (ly chén tiệc trà) để chuẩn bị kéo nhau ra quán (mấy ông nhậu gọi là ... tăng hai ?). Bánh sinh nhật còn dở dang nhét vào trong tủ lạnh. Ô, thầy có mấy ổ bánh dễ thương quá tụi bây. Mà bánh tụi em mới đúng ngày, phải không thầy ? Ông Thầy nói sao bây giờ ! Trăng sao gì ông thầy cũng ... sướng ! Bảy, tám năm nay, từ ngày là thầy của A2, năm nào cũng như năm nào, hết sức cảm động đòan hùng bình náo động khu phố cứ như là ... đến hẹn lại lên. Thật chung tình ! Năm sướng !

Tôi không định nói tiếp đến ... mười sướng (bắt chước bài thơ bài nhạc "10 thương" gì ấy đâu). Nhưng diễn tả cái vui của mình mà chưa đủ ... chục 10 (nói gì đến chục ... nam bộ) thì xòang qúa, sao thấy được cái nhiều rất nhiều? Phù phù, thổi nến sinh nhật nè : "5" này là ... 5 bình Phương đó (í, ui !)

Lòng cứ đợi dù không ai hò hẹn, cứ ..., nhé ..., các em nhé !

tPhương (à quên A2-53)

17 tháng 11, 2006

Nhà ...

tranh Phạm Kiên Giang
Ta chơi trò chơi xếp chữ đi. Dạy học có tương tác há ! Chọn từ tiếp theo để xếp câu cho đúng nhá. " Nhà ... không để ở ?'' (ủa, Thầy dạy môn gì vậy Thầy ? hêhê, IQ test mà )


Học trò tinh ý ghê, chỉ nhìn đuôi mắt thầy mà trả lời trúng phót, không cầu kỳ suy nghĩ : "nhà giáo " ! Hay thật, chúng theo dõi đôi mắt thầy ? Chúng thấy Thầy cười cười nhìn lên tường, cười cười với những tấm tranh đang treo trong lớp (12A3), cười cuời ... "mừng ngày nhà giáo".

Lớp 12A3 có bốn bức tranh giấy dán. (4 là vì lớp có 4 tổ - thầy chắc là sẽ vui hơn nếu phải chi lớp chỉ có ... 3 hay 2 tổ ! nhưng phải nói công bằng nếu lớp mà có đến ... 8 tổ thì chắc thầy ... hichic đó. Hôm nay bổng thấy ...chỉ tiêu bất ngờ ...được việc !). Bức Picasso được phỏng vấn đầu tiên, tấm tranh không hình khối lung tung sợi ngang dọc và lọan xạ mảnh giấy màu lớn nhỏ . Các con giải thích làm thầy giật mình , ý là tuổi học trò nhiều sắc màu (kính vạn hoa ?), ước mơ nhiều nhiều (hay!) nhiều vui buồn lẩn lộn (phải phải !), nền giáo dục ... đa dạng sắc màu tri thức (ờ há !) Thầy tặng lại tuổi teen khóai màu sắc nè ..

"con ơi, khi mẹ mang đồ chơi màu cho con, mẹ hiểu tại sao màu lại nô đùa trên mây, trên nước như thế, và tại sao hoa nhuốm muôn sắc - khi mẹ mang đồ chơi màu cho con, con ơi." Tagore

Chuyển sang tấm tranh thứ hai đi. Bức này thì rõ, có trường học, có người lớn, có bé tặng hoa ... Có trường học để thầm nói học trò tặng hoa cô giáo, rất tinh, khỏi phụ đề ! Thầy rất cảm ơn :

" con ơi, ta muốn cho chút gì, vì chúng ta trôi dạt trong giòng đời.
Chúng ta có thể sống xa nhau, tình ta có thể lãng quên mau.
Mẹ không ngu si tới nỗi hy vọng có thể mua chuộc lòng con bằng tặng vật.
Đời con còn trẻ, đường con còn dài, con uống một ngụm trong chén tình cha mẹ mang tới, rồi quay đi và lìa mẹ xa cha ..." Tagore


Hai bức còn lại cùng ý "sư mẫu chèo đò" một ẩn dụ xưa mà buồn. Nay, con ơi tập bơi qua sông đi (xem) "em học trò đáng bị đánh đòn" , hãy vẽ cái phao - không nháy nhó gì hết - cho con ... vịn. Thầy chỉ xin là cái phao (cũng không là người hát ... rong đâu, buồn lắm) bập bềnh sóng nứoc, nâng cho con ... ngửa mặt với đời chứ chẳng thèm hì hụp ngước nhìn ! Cứ gì thầy phải chèo phải chống dù rằng :

"Mẹ ơi, nếu mẹ bằng lòng, sau này lớn lên, con muốn làm bác lái đò đưa khách.
Người ta nói rằng bên kia bờ cao có nhiều ao nằm khuất.
Ở đó, từng đàn vịt trời bay tới khi mưa lạnh, và lau sậy rậm rịt quanh bờ chỗ le le đẻ trứng ;
Ở đó, lòai cuốc múa tít đuôi, in dấu chân xinh trên nền đất sạch mềm ;
Ở đó, ban đêm cỏ lau trổ cờ trắng xóa mời ánh trăng đong đưa.
Mẹ ơi, nếu mẹ bằng lòng, sau này lớn lên, con muốn làm bác lái đò đưa khách." Tagore


Cả 3 bức đều có ông mặt trời tươi roi rói, có thể tấm Picasso đầu cũng có mặt trời mà thầy nhìn không ra chăng ? Mặt trời tri thức (các con giải thích) nóng qúa (thầy phụ đề thêm) làm chảy lộp độp mồ hôi trên trang sách (đúng không, vì thấy lớp con ngòai ba cái quạt trần, mắc thêm hai cái quạt đứng đều chỉa thẳng về hướng ... các con, cho thầy mát ... mẻ ! hichic)

Nóng há, nhà ...mà không ở ? Có nhà mà không nhà : nhà văn nè, nhà thơ, nhà nông, nhà vườn, nhà khoa học ... (tòan nhà ... tình thương mến thương ) cứ gì chỉ có ... nhà giáo !

Còn nhà ... doanh nghiệp, thầy dám nói "có nhàkhông nhà" không ? Quê rồi thầy ui. Ứa, thua, làm gì dzữ dzậy !


tPhương (tặng A3 năm này)

12 tháng 11, 2006

"Những người muôn năm cũ"




"Những người muôn năm cũ ..."
Bạn sẽ ứng khẩu tiếp : " Hồn ở đâu bây giờ ?" Vâng, bài thơ "Ông đồ " (Vũ đình Liên 1936) ai mà chẳng biết. Tôi cũng hỏi thế và lòng hẹn hò trông. Ngày thứ bảy dạy xong tiết thứ năm, vội bay về trường ĐHSP. Lễ sáng giờ chắc đã xong, chắc còn gặp "ngừoi muôn năm cũ" - các Thầy của tôi ở khoa Lý Hóa ĐHSP Sàigòn. Ba mươi năm cũng thành một thế hệ rồi, không còn nhiều Thầy xưa như cứ tưởng, lạ, nên không thành nổi nhớ bung, không òa được cảm xúc mà trên đường phóng xe về trường tôi đã ngở chắc là ... xúc động lắm !


Cũng phải thôi, màu thời gian tím ... ngắt !(ui, đau). Thôi, chào Thầy trong tâm tưởng đã cho tôi cái ... gien để thực hiện cái CHỨC ...Thầy. Trong mỗi con người hình như có hình bóng của .. Thầy mình (hay Người Thầy hay Thầy ...của người), như là cái bóng, là định mệnh ảnh hưởng đến có khi cả ... cuộc đời ? Cái vô chứchữu chức (tôi không dùng chữ ..."có chức") đến .... vô cùng ! Đến cả vợ cũng còn được ... thơm lây, có dạy dỗ ai mà cũng được gọi là CÔ, (mà CÔ thì cứ trẻ hòai... thích nhá vợ tôi !)

Trong lớp học, đèn neon không hắt bóng (chẳng sáng đâu mà có... bóng), tôi leo ghế nắm vuốt thân đèn một cái. Ánh sáng tỏa. Học trò reo. Có biêt đâu là hình ảnh Thầy Lý Công Cẩn của tôi ngày xưa đó ! Khi học trò lên bảng, xóa lem nhem một vùng để lấy chổ trống làm bài. Tôi buộc "con ơi xóa cho... đàng hòang". Lại là hình ảnh Thầy Lê Kim Đính của tôi ! Sự tiếp bước hay cái gien trội ....

"Những người muôn năm cũ ... " Tôi thích hiểu cái nghĩa "cũ" như là vẫn vậy :

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngòai trời mưa bụi bay
(Ông đồ 1936 Vũ đình Liên)

là mãi và mãi cái truyền thống xưa :

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ
(Bóng ông đồ 1982 Vũ đình Liên)

và lẩn khuất cả cái khổ ... hạnh (ba tôi thường nói "chợ ...phải búa, tu ...phải hành"),Khổ ... phải hạnh ! Có áo mới thì mới ... đem khoe được chứ,"bạn khoe áo mới mà sao khóc", có đạo hạnh mới được gọi là Thầy, "trường học dù sao khác chợ trời" (Mừng bạn tết này may áo mới)

Nghe bạn Tết này may áo mới
Ta liền tìm đến hỏi thăm chơi
Bạn cười thành thật khoe rằng có
“Ông tính mười năm dạy học rồi
Áo cũ rách sờn không thể tả
Giặt rồi chưa chắc dám đem phơi
Vậy mà vẫn khoác lên người được
Có phải là ngông với cuộc đời?
Tết này thà nhịn mà may áo
Trường học dù sao khác chợ trời”
Ta nghe bạn nói sao hay quá
Bạn đúng là ông giáo tuyệt vời
Này hết xuân này là đến hạ
Nghỉ hè lo cất áo một nơi
Lương bổng mỗi ngày càng mất giá
Chạy theo hàng hóa nổi rồi trôi
Có khi giữ áo dăm ba tháng
Đem bán may ra cũng được hời
Nghề nghiệp chúng mình không nói quá
Làm thì như thiệt sống như chơi
Tưởng rằng may áo mà ăn Tết
Ai dè có áo dạy cầm hơi
Dẫu vậy cũng xin mừng với bạn
Tết này nhớ ghé đến nhà tôi
Ăn tiệc chung mâm càng vui nhỉ
Nhưng buồn mặc áo lại “cưa đôi”
Thiên hạ nhìn người hay ngắm áo?
Chẳng biết cách chi để trả lời
Áo đẹp giúp người càng thêm đẹp
Người tã quá rồi áo cũng tơi
Bạn khoe áo mới mà sao khóc
Tết này cứ ghé đến nhà tôi
ĐOÀN VỊ THƯỢNG (Cuối năm 1987)

Khà khà ! Những người muôn năm cũ !

tPhương

08 tháng 11, 2006

Tôi buồn qúa mọi người ơi !

(tranh Trương Đình Hào)

Tôi buồn quá mọi người ơi ! November 08, 2006

Người bạn của tôi hỏi : "Giáo viên mình hiền hay ... dữ ?" " hiền dữ phải đâu là tính sẳn, phần nhiều do ... giáo dục mà nên" (hihi, đừng có mà bắt bẻ) Học trò chỉ thấy theo cảm tính thôi, thì ai dễ dàng cho là hiền, ai đòi hỏi cao cho là dữ mà không hề biết vì ai, vì sao,(không hề cảm thấy ... cái dạy trăn trở cho... ai kia!)

Nhà trường trăn trở, phụ huynh sốt ruột, giáo viên ... phát khùng ! Nhà nước ... phát động v.v và v.v ! Rồi ban bệ vào cuộc :"
Nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái đạo đức của một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lương và thu nhập không đủ sống...” – Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đưa ra kết luận này sáng 20/9, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng phản bác: “Nói như thế là hòa cả làng. Cứ anh nào nhà nghèo là đi ăn trộm sao?...Nói nguyên nhân sâu xa của việc suy thoái đạo đức là do thu nhập thấp thì chỉ cần mỗi việc nâng lương là xong". (suy thóai giáo dục do đạo đức người Thầy
-
Vietnamnet )


Xong !


Người phu xích lô nghe giọng nữ quen "đến nhà hàng Kim Đô bao nhiêu chú ?" Ánh đèn điện ngày xưa mù mờ lắm không sáng như bây giờ đâu, nhưng cũng đủ soi cho hai cô gái đang đợi xe ở góc chợ Vừơn Chuối và người phu trên yên xe nhận ra nhau, một bất ngờ sựng lại ! "người đâu gặp gỡ làm chi !" Không phải là cảnh tình tứ trái ngang mà thi hào Nguyễn Du nói, mà là cảnh tình ... "người đâu gặp gỡ .... làm chi" !
- Thôi, bạn lên xe này đến Kim Đô trước đi, tôi đến sau.
Cô gái vứa nói vừa ấn bạn mình bước lên xe. Hôm sau, trong trường, có giáo viên trêu đồng nghiệp " nè, hôm qua H.N mà đi một mình thì không chịu lên xe tôi à ? Dám cho tôi ế mất ... cuốc xe há !"


nghèo có đi ăn trộm đâu !


Cũng ... hiền !

Trong căn phòng tập thể, mấy ông thầy rì rầm ...

- Trời con gà, uổng qúa !

- Không có bỏ thùng rác à nha, công tui nuôi chờ tết ... .

- Thì bây giờ tính sao, dám chắc nó ăn thuốc chuột rồi !

- Đúng rồi, ai biểu nuôi mà không nhốt. Tối qua loa rầm trời nhà nhà ra lãnh thuốc diệt chuột rồi mà ...

- Nhốt,nhốt lấy cái gì mà nuôi, mấy ông nội ăn bo bo mà cũng lém hết quất sạch có chừa con tui hột nào ! nó không tự bươi thì đến tết ... cho cả lủ bơ mỏ!

- Ực, thèm thịt gà ... "thí nghẹ".

- ừa !

- ừa !

- Hay là vầy, nó ăn thuốc độc thì tiêu bộ đồ lòng rồi, mình móc bỏ ruột ...

- Xì, coi cái mồng nó kìa, còn cái đầu xám xịt ... ông dám ăn không ?

- Thì chặt bỏ ! ....

Sau một hồi nghiên cứu đi_đến_thống_ nhất, làm con gà kỹ càng, sạch sẽ chưa từng thấy, ngâm nước nóng, nước lạnh, nước muối, nước pha thuốc ... tím lõang, nước pha dấm, pha chanh ... Nghĩa là các thẩy (xin đọc đúng) vận dụng hóa lý, tìm mọi chất (mà chưa có nhúng vô.... axít thôi) để giải độc cho bằng được cái thằng thạch tín tệ hại ! Để đảm bảo an tòan, bỏ hết, chỉ còn lấy hai cái cánh, hai cái chân đùi... tàm tạm (thầy V.V ơi , phải chi con gà có thêm ... hai cái tay, thật là tiếc hùi hụi). Nấu nồi cháo ... bo bo với tứ chi gà. (Nhà hàng nào muốn có món mới, tên cực kỳ hấp dẫn nè "Bo bo tứ chi gà" nghe kêu đấy chứ ?). Nồi cháo ninh thật là lâu (mà nấu bo bo không lâu đố nhai được). Cơ_sở_lý_luận là nhiệt, tác dụng nhiệt làm ... biến chất !


Nói thật ông Trạng nào nấu món đá hầm cho Chúa ăn thật là sành tâm lý. Đợi lâu, đói, cái mùi ... thỏang chút "người lái" làm tăng sự thèm ! Chén xong, tính tiếp nè, mọi người phải quây quần "nhốt" một chổ trong 4 tiếng đồng hồ với nhau. Bạn hỏi chi vậy ? Để nghe ngóng ! Thầy nào "nhạy cảm" nhất lăn đùng ra trước thì bọn còn lại gấp gấp cõng nhau vào bệnh viện cấp cứu ngay cho kịp thời! Nhưng cái "Khúc thứ ba bi tráng" của "gà chuột"(gà + thuốc chuột) mới là lâm li. Bạn ơi thời gian chờ, và chờ ... "Ui chao, tao đau bụng qúa !" Ba bộ mặt còn lại xám xịt và bổng đồng lọat nổi ... da gà. Hình như mình cũng ... hơi đau đau ! "Thiệt không ?" "Thiệt không ?" ba cái miệng đồng thanh hỏi dồn. Ông Thầy ... qủy phá ra cười, ặc ặc tràn nước mắt ...


Dữ , còn sống sót cống-hiến-cho-đời-cho-ngừoi.


có mà đi ăn trộm đâu !


Giáo viên mình hiền hay dữ ...?
Tôi buồn qúa, mọi người ơi ! Buồn ơi ! ...
Xin đội ơn ngàn vạn lần Gs. Nguyễn Ngọc Lanh (ĐH Y Hà Nội) với bài viết của Thầy.
04:59' 06/11/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - "Chúng ta không nên đổ thừa nguyên nhân chính làm suy thoái giáo dục cho HS, phụ huynh và thầy cô giáo mà nên coi họ là nạn nhân thì gần sự thật hơn", GS Nguyễn Ngọc Lanh bức xúc trước những nhận xét và ý kiến từ kết quả giám sát về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

tPhương

06 tháng 11, 2006

Màu của Sóng ?

(tranh Picasso)

Đố bạn sóng màu gì ?
Học trò tôi không bao giờ trả lời liền hoặc là vờ vịt ... không nghe rõ ! Chúng đợi tôi trả lời cho ... .. chắc ăn (hichic) ? Mà tôi hỏi chung chung vậy, đố ai trả lời được ! Sóng gì ? sóng nước vổ bờ ? sóng biển rì rầm ? sóng lúa rào rạt ? sóng cơ : dọc, ngang tung hòanh? sóng ... ngòai vùng, sóng ...trong vùng ! Cơ man nào là sóng tung tăng, sóng nhiểu lọan sóng tùm lum làm sao biết ... đúng!

“Xin cám ơn những con đường ven biển
cho rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cám ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thùy dương nói hộ tiếng thầm thì …”

(“Biển, núi, em và sóng” của Đỗ Trung Quân )

nghe như là ...sóng tình (không hề bị nhiểu bởi sóng biển dạt dào, sóng thùy dương thì thầm .., đúng không bạn ?) Cho màu hồng đi ?

Anh không xứng là biển xanh
nhưng cũng xin làm bể biếc
để hát mãi bên gành
một tình chung không hết …”
(“Biển” của Xuân Diệu)

Anh là ai, là ai mà hát mãi bên gành ? Anh sóng ơi, nhác gan thế, anh "xin" làm bể biếc thì tớ "cho" ngay màu xanh nhé ?

Ngày xưa đó, biển không buồn như thế
Ghềnh đá nào sóng vỗ tiếng reo vui
Ôi còn đâu, từng đêm lời sóng kể
Người không về, biển khóc nhớ khôn nguôi”
(“Biển nhớ” của Yên Hà)


Sóng kể, khóc, và đêm ... đen ! Không, tôi cho màu ... trắng ! (nhớ nhung ?) Mà đâu phải nhớ nhung nào cũng bi lụy " Lục đầu giang dậy sóng Đông A " bừng bừng hào khí :

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục đầu vô thuỷ bất thu thanh.

bừng bừng hào khí Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn vẫn còn a. Màu đỏ !

Bát ngát sóng kình muôn dặm
Thướt tha đuôi trĩ một màu...
(Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu , đời Trần)


.... đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông,...

Thật là dữ dội với Bà Triệu. Đáng mặt là vua . Màu vàng !

Tôi viết lên bảng. " Sóng ... cơ học". Tựa bài học đựoc nắn nót nét phấn vàng. Học trò nhao nhao SÓNG ...MÀU VÀNG. Trong tập các em chữ Sóng ... màu xanh !

"sóng cứ đi,
nước còn ở lại
."

Lời bàn Lý ... sư (không có dấu nặng, hay muốn ... nặng, tùy lòng) trong vật lý sự truyền sóng là ... truyền pha đó !

tPhương

04 tháng 11, 2006

khế, mận và ... tôi.



Không có cô Khế, nàng Mận nào liên quan đến .... tôi.hết á (mở ngoặc tuyên bố !)

Là câu chuyện cổ tích " ăn khế trả vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng " ngày xưa tôi kể cho con để dổ nó nín khóc. Bọn nhỏ lạ, không hề chán nghe dù ông bố đã cà lăm bao nhiêu lần ! Chắc là có gì hấp dẫn chúng ? Hai anh em nghèo nhận gia tài của mẹ cha nghèo có mỗi cây khế ... ! thì nghèo ! Có gì hấp dẫn đâu ? Vậy mà bọn nhỏ (con tôi), và chú chim phượng hòang vua cũng bị cây khế ... dụ. Con tôi thì nín khóc, vua ráng "ăn qủa" để phải "trả vàng" Dân ... "gian " cố gắng : ai cao thì hái được nhiều, ai lùn thì hái chẳng bao nhiêu ! Cái giản dị chân chất như khế "nghèo" cũng bổng vời lên tầm dáng quê hương. mênh mang giá trị cao lộng. Hấp dẫn thật ! Tôi nói thật, chính mình cũng bị hấp dẫn bởi chùm khế, bởi ý thơ của nhà thơ Đỗ trung Quân trong "Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày"
.....Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

....
và cái vẩn vơ thường ngày đó trong khổ thơ cuối, đẩy lên tràn nước mắt :
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người

Vậy thì cái túi ba gang đó có là xá gì đáng để đem chùm khế quê hương ra đổi ?

Tôi nghỉ vơ vẩn, vậy thì nghèo ... nhịn đói chăng ? (tôi nhớ những bao nhiêu cuốn tự điển, những sách hội họa trong nhà tôi chạy dần dần ra con hẻm Đặng thị Nhu đường Yersin, Calmette ... đổi sữa cho con !)

Tôi nghĩ đến cây mận ... cũng nghèo nữa. Mà đây là câu chuyện thật, không phải cổ tích. Cha mẹ già .... chưa chết. Con út thì nghèo qúa nên được hưởng cây mận của mẹ cha. Các anh chị thì không khá, nhưng cũng hòa thuận, không ai cà nanh tranh phần với út. Út hái rổ mận đem bán (đổi cơm như tôi đổi sữa cho con), còn những trái "sâu sia xấu xí" Út đem về biếu bố mẹ già ăn lấy thảo ! Anh chị lúc này ngứa con mắt, xí xọn mấy câu.... Út buồn, Út khóc. Mẹ cha cười hiền hiền, gọt mận cắt bỏ sâu sia bày lên dĩa với chén muối ớt mời khách là tôi ... chén!

Muối ớt thì cay mà tôi thề không chảy nước mắt :
bắt ở trần phải ở trần
cho may ô mới được phần may ô !


tPhương (tặng cô Út)

28 tháng 10, 2006

Chiếc võng.



Hỏi mọi người rằng có ai chưa từng nằm võng, ngủ võng, đưa võng .... ? Ai mà chẳng từng một lần ! Với tôi hình ảnh chiếc võng trong hồi tưởng và rất thật ngòai đời cứ theo tôi lù lù từ thời đi học rồi đến lúc đi dạy ... Quen vô cùng !


Thời đi học, chiếc võng giúp tôi ... thuộc bài nè, đến già còn "xí xọn" lên mặt được! Thật đó. Kẽo cà kẽo kịt ầu ơ trong tiếng hát ru " con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà, chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm mua muối ... giổ cha chú mèo " tôi còn nhớ như in. cũng như những bài "con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, bà ơi đi chợ mua tôi đồng ... riềng" Vì bạn ạ, trong sách học của tôi thời đó đại lọai như vậy không hà (dĩ nhiên là kém ... trí tuệ hơn lọai sách pro rồi !) Và đó là những bài học nhớ hòai tôi vừa "hát" vừa "đưa võng" ru em. Năm đứa em nhà tôi, kể cả chú út cũng đều qua tay tôi ... đưa võng "hát hò" như thế ! Vừa rồi đi đám tiệc, nhà hàng có món thịt gà, tôi gắp cho bạn những sợi nhỏ lá chanh, "ăn đi". Cái đầu bạn gật gật, xoe ánh mắt mà nhìn tôi ra cái điều tán thưởng lắm, " sao biết " Tôi làm lơ, tỉnh bơ phán thêm một câu rành rọt "ăn thịt chó phải có riềng". Hình như nó có càng "kinh hãi" mà ... bái phục cái sự sành điệu.... ăn (nhậu) ? Mong là bạn tôi chưa từng biết bài "con gà cục tác lá chanh ..." để còn mãi mãi thán phục cái tôi trí tuệ (hay ra vẻ ... trí tuệ "âm dương ngũ hành") trong văn hóa ẩm thực này !


Thời đi dạy, chiếc võng vào ... lớp học của tôi. Đồng nghiệp tôi đang mĩm mĩm cười đây ? ông này chơi ... láo ? Hỏi học trò có biết cái võng không ? Tôi nói trước rồi mà, ai mà chẳng từng nằm võng đưa võng. Thế thì mắc gì phải vác cái đồ dùng dạy học to đùng kia leo lên lầu ba cho tội ! Học trò thành phố không biết võng thì giới thiệu cái nôi, cái xích đu ... cũng rứa ! Sáng nay tôi mới dạy 12A8 "dao động duy trì, dao động cưỡng bức, cộng hưởng" Thầy lấy ví dụ cái võng. Đong đưa tự nhiên rồi đến hồi dừng, muốn duy trì thì mỗi khi lắc qua sát tường phải đẩy một cú. Đẩy phải ăn nhịp. Duy trì là thế đấy. Còn mà nắm lắc lấy lắc để thì cái võng bị cưỡng bức đi theo thôi. Cưỡng bức là vậy đấy. Dễ òm. Nhưng cái không có trong giáo án là đọan này. "Nàng" võng & "Chàng" lực. Nàng có ý riêng. Chàng có ý riêng. Chàng đang ve vãn phải chiều nàng. Chung cuộc, phải thực hiện ý của nàng (duy trì đó?) Cưới nhau rồi, "đi đâu cho thiếp theo cùng ..." nàng theo chàng. Chung cuộc là... theo ý chàng (cưỡng bức đấy?). Còn cộng hưởng ? ý chàng nàng là một, không ai phải theo ai. Chung cuộc ý tuy hai mà là một. Thế mới là cộng hưởng chứ ! Ơ kìa kìa, học trò tôi cứ ngớ ra ?


Chiếc võng cũng làm tôi nhớ ! Mỗi lần tôi về nhà thăm ông bà già, vừa vào đến cửa là ông già đã ngồi bật dậy nhường cái võng cho tôi, "ậy, nằm đi, đỡ mõi lưng !". Ông bảo, già rồi lưng người ta phải còng không thẳng được như trẻ, phải chiều theo cái sống lưng, nằm võng hay lắm đó ! Ông bảo hay ông dạy, không biết, nhưng ông "thực hành" làm mẫu cho con cháu thấy bằng cách Ba tôi ngủ võng, không bao giờ giường, chiếu hay nệm gì tuốt ! Rồi ông may cái võng, rồi mang vào nhà tôi tự tay bắt khoen tường cho thằng cháu nội nằm ngủ, cho thằng con trai là tôi ình cho đỡ mỏi lưng !


"Ậy, nằm đi " tôi nằm thấy đầu võng như hình ... mũi tàu, thẳng tiến !

tPhương

21 tháng 10, 2006

Dây chuông "cà rem" không rung !


Dây chuông "cà rem" không rung !

Chuông gọi cửa nhà tôi đó "leng keng, leng keng ..." từ thuở 20 năm rồi vẫn ... chạy tốt. Từ bức tường thành len trong đám lá "vô tổ chức", chi chi cành cành với cây mọc đất cây mọc chậu dẩn dài qua sân, dây chuông rồi cũng nối được bến bờ .... vắng nuớc không sông (à có, nhưng chỉ khi mưa, con đường THT, con hẽm nhà tôi mới thành sông mà "đứng bến" là cổng, vào nhà ... may ra là bờ !). Hàng cây chào sân, chào dì ve chai với lủ khủ dưới đất ghế đá gẩy chân, lu khạp té ngửa, lon thiếc hộp giấy... sắp hàng nghiêm nghỉ. Hàng cây chào sân với um sùm trên trời lá với hoa chẳng ai tỉa cành vuốt ngọn. Bạn có hết hồn với vẻ đẹp "nghệ sĩ" ( mà ở trong Thành đô mới ... đáng nói !) này chăng ? "Cho em xin". Chưa thấy "chóang" với cái "phong nhã" thì đã thấy cái "cớ sự" rồi ! Dưới tàn cây mít, trên đám hoa nhài, dây chuông vương trong mấy cành mai, vướng trong mấy nhánh ngọc lan, rồi rối, rồi nín tiếng chuông (dù chẳng Lan hay Điệp nào ... cắt dây chuông !). Học trò gọi cửa, nào dám "đập" cửa nhà Thầy, cứ mà đứng run ! (và tiếp tục rung chuông). Thầy về gọi cửa thì rút cái "a lô" mà "à lố" ! Còn con chó Lu tưởng nhờ cậy được thì " khôn chợ dại nhà" ngừoi lạ thì sủa, người quen thì vẩy đuôi lia lịa mà iiiim im ỉm !

Và lạ ! Đêm rồi, tôi thức giấc vì nghe tiếng chuông "leng keng" như ai gọi cửa ? Khuya ! Tôi mở cửa bước ra sân. Vắng lặng cửa khuya, tĩnh mịch nhà ! Có thỏang trong hơi thở như đâu đây hương dịu rất có rất không ! Không phải cái thứ "xỏ mũi" mọi người ... ... ... , xộc như nhài, quế. Đó mùi ngọc lan đó ! Thỏang thôi, như đêm rất nhẹ, thỏang thôi như linh hồn phớt ẩn phớt mơ trong ánh đèn đêm của con hẽm tối lấp lững.

Ánh đèn điện "ịn" vệt đen bóng cây tán lá. Lem luốt trên nền sân những là lòa xòa bóng lá. Tôi nhìn lên, những chùm lá ngọc lan ! Cái thứ lá to đùng lại còn túm tụm kéo chùm kéo lũ ? Một tảng những màu xanh lá là lá. Không hẳn là một màu xanh nhiều sắc độ mà nhiều những gam màu vì có bệt phơi sáng thì xanh lá, khuất tối thì sẩm kịt, lấp lóang đen thì ánh thẩm ... "Leng keng leng keng..." Xanh nào thì vẫn màu xanh !

Tôi bước đến gần, thấy vậy đó. Lẩn trong đám lá bề thế phô trương lao xao đó, những hoa nhỏ dài như ngón út có móng tay (để chọc... nhói tim ?).. Những hoa muốt trắng màu trắng của sữa. Những búp hoa ngậm ánh đèn điện ửng rồi như trở ngà ! " Leng keng leng keng..." Ngà thì cũng là màu rũ của sữa trắng kia thôi !

Là dây có nhiệm vụ là nối, cánh tay vói thì cái chuông leng keng. Vuợt khỏanh sân, vượt một góc trời tiếng reo leng keng. Vượt cả ngòai trời chuông vọng hồi xanh ! 30 năm xa, hoa ngọc lan tôi hái lén ở nhà thờ Fatima Bình Triệu, nhét đầy túi rồi mới ... đi xin Cha mà quên béng hương hoa rất có rất không kia đâu chịu bị dấu kín để chỉ nằm im trong túi áo ! Hoa ngọc lan hí hửng tặng người yêu, người yêu tặng cho ... mẹ ! Mẹ thích hoa ngọc lan mà ! (thì dây nối chuông leng keng và leng keng ...) Màu xanh thơ, không phải màu lá, mà xanh qúa là ngày xanh ! Và ngón tay là hoa hay hoa là ngón tay - ngón nào mẹ đẻ, ngón nào là hoa dâng ? Ngón hoa nằm trên ngón tay. Trắng thon và trắng thơm.Trắng như là nguồn sữa cho đầu cuộc sống ? Rồi giờ đây, hoa nằm trên dĩa ! Trắng như linh hồn đậu trên khăn tang cuối cùng cuộc sống? "Leng keng leng keng" hòa tiếng ê a tụng " tam bái, trà dâng, thượng hưởng ..."


Đêm, tôi chỉ thấy hai màu. "Leng keng leng keng ..." Dây chuông cà rem đã rung rồi. Vợ tôi lúc ra nhìn tác phẩm ... của tôi, sững sờ với ngọn cây ngọc lan... phạt cổ, nhánh mai bị ... bẻ cành ! hai dòng nước mắt ròng ròng ...

Có cái vô tình đến tàn nhẩn chắc là không đáng khóc. Có cái tàn nhẩn (với hoa) đến vô tình (với vợ) thì phải khóc đến rối tim tôi ! Tôi thấy dòng nước mắt màu xanh, và cả dòng nước mắt màu trắng !

tPhương (tặng vợ, như một lời xin lổi màu đen)

15 tháng 10, 2006

Người lớn nghe chuyện ... cổ tích.


Tối hôm qua thứ bảy, tối hạnh phúc. Cái êm êm của buổi tối, cái thong thả của một ngày cuối tuần vừa mới buông viên phấn giảng, cái lắng rất yên trong những riêng tư .. Và tôi hưởng tất cả hạnh phúc đó cùng gia đình, những ngừoi thân bên câu chuyện cổ tích mà anh tôi đang kể...

Câu chuyện cổ tích về "hoa tầm xuân". Bạn có biết "hoa tầm xuân" ? Thứ hoa dại nho nhỏ, nụ như hoa hồng hồng, dạng như trái tim con con, màu hoa phơn phớt, mình dây mọc leo có rất ... nhiều nhiều trên Đàlạt (mà Festival Hoa không 'triển lãm" thì thật là đáng tội đó !). Anh tôi kể rất hay, bọn tôi lặng nghe mà cảm cái mênh mông của đêm TRỜI đất, của cái tối cuộc ĐỜI, và cảm cái ấm nồng của trái TIM "hoa tầm xuân " xinh nhỏ, đã có và vẫn có lặng lẽ rất nhiều và nhiều (dù chẳng cần kênh kiệu trong thế giới Festival !)...

Tiếc là tôi chỉ biết tóm luợc. Đại khái là mùa xuân không về. Mùa xuân bị nhốt bởi "đại vương" băng giá. Đóng băng rồi. Giá băng tất cả thế gian ! Ai cũng mong mùa xuân. Mong hòai với phí ... hòai = hòai vọng ! Đáp là im lặng và im lặng như lòai cá. "Im lặng đáng sợ" ! Hoa buồn tức tưởi tủi hờn sắc hoa ....chết tươi theo năm tháng. Chim trốn tuyết buồn nghẹn câm không thèm lên tiếng ... hét ca. Bé con buồn ngớ ra có đâu ... vòi áo mới, bánh kẹo qùa xuân ! Thế là em bé lên đường, em ngây thơ không tính tóan đi tìm với mộng mơ "hiệp khách hành" giải cứu Chúa Xuân ! Em đi và đến được núi băng đang nhốt niềm vui của mọi người. Nàng xuân nhìn em. Em nhìn thấy mùa xuân mà tuyết trong_như_không_có nhưng vẫn là tuyết_cách_ngăn ! Nhỏ nhoi một mình em tìm cây tìm lá gom trong rừng chất lên, cứ chất lên niềm hy vọng. Chỉ là hy vọng vì chẳng có que diêm ! Mà cây cứ góp, lá cứ gom ...

Bạn ơi, tôi nghiệp bé con không gặp ... "Em bé bán diêm" của Hans C. Andersen, mà cũng chẳng gặp học trò tôi để mách cho em một ngọn lửa ... Hãy chỉ cho bạn nhỏ của mình bài học Vật Lý, bài học "ma sát" như người tiền sử đã làm để nhen lên nền văn minh của nhân lọai ?

Bé con sức cùng lực kiệt, qụy bên đám cây gom góp, ôm lấy những cành những đống mà lụi tàn cuộc sống. Bạn có biết tuyết gió quanh lạnh căm căm chỉ có trái tim thoi thóp ấm ? Cháy lên hãy cháy lên trái tim. Hãy cháy lên. Cháy lên tuyệt vọng. Cháy lên hy vọng Cháy lên tuyết... carbon. Vậy mà kỳ diệu thay, ngọn lửa đã bén ...

Bravo ! tuyết tan (Vật lý nói là sự chuyển trang thái). Nàng xuân tê cứng bước ra khụy bên đám tro than của bé ....Những giọt nước mắt tưới lên tàn tro của ước nguyện " tầm xuân". Bé ơi, ta là Xuân, là Mùa Xuân của những ai tin ta tìm ta ..

Vậy là những hạt bụi, những li ti tro hóa thân theo phép màu kết thành chuổi những trái tim hồng nhỏ, rất ... nụ hồng, đẹp, không ... gai !

Người lớn mà nghe chuyện cổ tích...? Học trò tôi có đủ lớn ( ...trên 18 để nghe ... cổ tích) ? Vậy là hẹn phần hai, "cổ tích second hand cho người ... số 2 " nhé !

tPhương (tặng anh T.H.D.)

11 tháng 10, 2006

Cảm hứng từ Đôi Mắt ...


Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để cho bà nói má thơm của cháu
Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu

Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Mẹ bế đứa con như ôm tròn trái đất
Suối chạy tìm sông trăm vòng tươi mát
Con chim sổ lồng bát ngát xa bay

Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Hãy ăn bát cơm như chính tay mình nấu
Nghe tiếng trống trường như em lớp sáu
Sớm mai khai giảng sáng những khăn hồng

Đôi mắt xanh non
Cha xin của con
Người đi trước xin của người sắp tới
Biết chỗ đứng để nhìn cho thật mới
Cuộc sống xanh non
Mãi mãi tươi giòn....

(Đôi mắt xanh non _ Xuân Diệu)

Tôi "muợn" bài thơ Xuân Diệu để viết trang blog này, để nói chuyện với học trò về Mắt, như một lần đã hẹn trong Forum . Thích quá. Đôi mắt xanh non. Cái nhìn xanh - mới, đôi mắt non - thơ. Còn bài học về Mắt học trò nhìn bằng đôi mắt (xanh ... lè ?)

Cuộc sống xanh non
Mãi mãi tươi giòn ...

Học trò đời trước đời sau, và " Bài tập về Mắt". qua theo từng .. thế hệ, cũ mèm theo niên khóa, theo dần qua bao trào lưu " cải cách - thí điểm - phân ban...", mà sao cũng vẫn giòn cứng để gãy răng rắc ...răng học trò. Em học trò, thế nào ? Dễ khỏi chứng minh, khó ... nghẹn ngào chấp nhận ? Chỉ 3 chữ dê, dê phẩy và ép... phờ với vỏn vẹn một công thức 1/f = 1/d + 1/d' vậy mà làm khó nhau chi !

Thầy đã cảnh báo con rồi, khôn ngoan nghe cho đàng hòang từ đầu. Vì hoặc là con "ngộ" ra ! Dễ qúa, biết "2 ... in 3 " thì tìm cái còn lại.( cho có 1 mà bắt tìm 2 thì Thầy giải đến Tết Công gô cũng khỏi ra ! mà không cho gì thì khỏi có gì để làm, sướng !) Con thấy đó Thầy đọc đầu bài cho đủ 2 đại lượng rồi thì ... vểnh mặt, có thèm đọc câu hỏi đâu ! Hóan vị nhá, con ... ra đề, Thầy ...giải (hừ hừ cho biết thế nào là ra ... chiêu, xí, ra đề !) Hoặc là con ở nhóm thứ hai : "không ngộ" thì cho làm ... ngộ không, u mê lộn xộn dê hay "phẩy" dê, vật hay ảnh , 1 Tôn Ngô Không hay biến 72 Ngộ Không .... tứa lưa hột dưa luôn !

Vật hay ảnh ? Có gì đâu, Thầy là học trò của Thầy thầy, nhưng thầy cũng là Thầy con vậy, đúng không ? Stereo hi-fi có sao đâu (dàn loa surround bây giờ có đến 5 loa nữa là .. thường ! ) Ảnh đối với kính ai cũng là vật với mắt ...ai luôn đó ! (chứ chẳng lẽ mắt ... người khác)

Nói là con bị quấy rối lùng bùng do đầu óc không được "nhất tâm thiền định" cũng ...oan Thị Kính đấy. Cái tội này là do từ ngữ tiếng Việt của ta thôi. Nè, bệnh thì đi khám bác sĩ đi ? Đúng không ? Khám bác sĩ là thế nào, là đè đầu đè lưỡi ... ông Bác sĩ ra khám ổng à ! Nói vậy là sai ... ngữ pháp. Mà nói đúng "hôm nay tôi bệnh quá phải đi đến gặp ông bác sĩ nhờ ổng khám bệnh cho tôi", chu choa, chắc chỉ có nguời ... ngọai quốc học tiếng việt mới nói thôi. Ông thầy Vât lý "nhơn chi sơ" cũng ... lười như thế . Nói sai thế này mà bắt học trò ...phải chịu ! " Một người đeo kính 2dp thấy vật gần nhất cách mắt ..." Đeo kính rồi thấy ảnh chứ sao thấy vật được ! Thầy " lão cận thị " đeo kính có được thấy ... cái mặt thật của con đâu ! Mà đố có ai nói đúng " ...đeo kính 2dp thấy ảnh của một vật gần nhất cách mắt là ..." Nhơn chi sơ tính bổn ... lười !

Còn phải nói thêm mỗi người chỉ được thấy (rõ) trong cái ...."được phép thấy" (không phải... mù à nghen). Vật lý gọi là phạm vị nhìn rõ từ cực cận đến cực viễn. Trong giới hạn nhìn rõ mắt còn khà năng điều tiết đuợc (ơn Trời) thì thấy rõ. Nhớ nhá, không kính (mắt trần trùi trụi) thì thấy rõ vật trong vùng này. Khi có kính thấy rõ là lúc ảnh ở trong vùng ... này ! hi hi ! Thầy rất tâm đắc với đề thi đại học xôn xao "Đeo kính gì để khỏi thấy ?" tuyệt, hiểu mới biết làm, còn mờ mờ công thức "mì ăn liền" thì không có chổ áp... chiêu đâu !

Đôi mắt xanh non
cha xin của con
Người đi trước xin của người sắp tới
Biết chỗ đứng để nhìn cho thật mới

(Thở ra !) Biết chỗ ? Chỗ ngồi học trò trông lên. Chỗ đứng ông Thầy nhìn xuống ...Mà Thầy giảng bài cảm hứng từ ánh mắt các con đó, đừng có mà nhìn Thầy với đôi mắt ... tròn xoe nai ngơ, hay đôi mắt ...hình viên đạn nhá !

tPhương

08 tháng 10, 2006

Rơi tự do !



Rơi tự do !

Đêm rồi rằm Trung Thu, em nhỏ chơi đèn, ăn bánh, ngừoi lớn nói chuyện chú Cuội chị Hằng (hừ hừ, chú với chị, ai trẻ ai già, ?). Không phải nói "cuội", mà hình như tối Trung Thu năm nào cũng vậy, sự rơi không thành, ánh trăng rơi không thành á, không phải mặt trăng ... rơi (khiếp !), Cũng bởi mây mù sầm sập với làn mưa xám xối xa xả xuống những ống cống ... đã bão hòa từ thuở trời ... sắp chuyển mưa. Tội nghiệp tuổi thơ ! Đâu "ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một ối mơ ..." !Tội nghiệp thành phố ăn bánh chơi đèn trong ánh điện cắt dọc phanh ngang nhỏ vụn bầu trời !

Không trăng rơi (dù tôi khẩu khí dàn trời cũng không bắt trăng rơi được, còn sao "quả tạ" thì ... ai biết !) nhưng Tổ chứng giám ! (tổ Vật lý trường MK chứ không phải ông tổ ông tông gì đâu !) Tôi dạy, ừm ừm, có ... đồ dùng dạy học á ! ? Học trò lớp 10 mà ngủ gật trong lớp thì "xung phong" đứng lên, rơi cái phịch ! ai nặng rơi đau, ai mỏng cơm rơi ... từ tốn ! Kết luận thế nàooo các con ! Học trò ngồi khóc ... tỉ ti !

Khoa học không nói : Nặng rơi nhanh, nhẹ rơi chậm. Bậy nào. Nếu vật 2 kg rơi nhanh hơn vật 1kg thì khi ghép chúng lại mí nhau tất nhiên thành 3kg thì phải rơi nhanh hơn vật 2 kg - tức là vật 1kg (trong cái khối ghép 3kg đó) giờ đây lại rơi nhanh hơn vật 2kg (hồi xưa, em xinh em đứng một minh đó) ? Mới hay Tạo hóa tự nhiên hết sức công bình và công bình ... tạo vật đều có cơ hội như nhau. (có Trời đấy ?). Khác biệt chẳng qua là tại, là bị. là cái cơ chế... sức cản không khí thôi mà ! Lửa thử vàng, gian nan thử sức đấy. Cụ Dương Bá Trạc cũng nói "ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng ai dễ hơn ai ". Vậy là có Ta đấy, thấy chưa ?

Thấy mới tin. Nói và làm cho con coi nè (lớp 10A16 có chụp hình, mà chụp ... hụt). thầy leo lên ghế, ghế đặt lên bục bảng, bục đặt trên sàn, sàn đặt trên ... lầu 1 (dãy Bà Huyện Thanh Quan), thả tờ giấy và cuốn sách (trò nào cho thầy mượn giấy, trò nào cho mượn sách nhỉ, đừng có mà sử dụng cái đồ dùng dạy học chuẩn bị sẳn ở nhà, bảo đảm với các Sư là mất ... linh ngay !). Nào "aiaaa" rơi nhanh hơn ?

Bất ngờ phải không ? Đến đất cùng lúc, chẳng ai nhanh ai chậm. Bạn ơi, không tin thì bạn tự làm đi, chấp bạn lấy cuốn tự điển mập và tờ giấy pơluya mỏng để bạn ... chắc ăn luôn đó ! Nhưng nhớ là cuốn sách phải ở dưới, còn tờ giấy đặt bên trên sách nhá....Thế nào ? Học trò vổ tay rần rần như ... gánh xiếc phải không ! vui qúa hi hi ! Tờ giấy bị triệt sức cản rồi, rơi cũng khỏe đùng đùng như cuốn tự điển thôi. Mới hay, bầy chim tựa đàn mà bay, sức bay ... không mỏi ! Sức cản ngồi khóc ...tỉ ti !

Tôi còn bị một bất ngờ hơn ... học trò. Số là có em đứng lên lễ phép : " Thưa Thầy, tại Thầy để tờ giấy ở trên cuốn sách, con nghĩ là Thầy thử cho tở giấy nằm ... dưới cuốn sách đi chắc là 2 vật rơi nhanh chậm sẽ tách xa nhau thôi !" Bạn ơi dù bạn là .., cô gái hay nàng tiên, giáo viên hay học trò (của Thầy khác) có bất ngờ với suy nghĩ "phản biện" của học trò tôi không ? Tờ giấy bẹp dí và luôn bẹp dí dưới cuốn sách " lấy thịt đè người " là cái chắc khỏi cần phải thả "thực nghiệm" - nếu qủa thật vật nặng rơi nhanh hơn ! Ông Thầy ngồi (à, không được, phài đứng lớp chứ ) khóc ... tỉ ti !

Rơi tự do ! không phải Trăng rơi ! ai rơi ! học trò ơi, có cản không ?

tPhương

05 tháng 10, 2006

Chờ đáp án ?


Chờ đáp án ?

Khi mới thi xong !

Mới thi (kiểm tra tập trung) xong, học trò tôi tìm gặp, hồn nhiên hỏi đáp án ? đúng thế này sai thế nọ bị trừ điểm bao nhiêu ? Vẫn là câu chuyện muôn thuở tuổi học trò, cũng phải thôi !
Thầy tưởng là con làm bài xong ... phải biết ! Mà cái cần biết, đáng rút kinh nghiệm thì ... đã tự biết, sao còn hỏi ?

Có phải tôi lạc ... "hệ" (system) - hay lạc "thế hệ" (generation) ? Nên tôi không có cái nhìn như học trò, quan tâm cái mà tôi ... chẳng quan tâm ! Nhưng nghĩ lại chuyện cũ lớp 12A2 năm nào mà buồn thấy ... ớn ! Thi vừa xong, một phụ huynh giữa giờ trưa gọi điện thọai cho tôi, năm điều ba chuyện về chuyện học của con em (mới đi học bên Úc về học lại) rồi hỏi tôi câu này (nguyên văn) "Xin lổi, Thầy dạy bao nhiêu phần trăm học sinh trên trung bình ?" Á, ra thế !!!

Câu hỏi của học trò "bị trừ bao nhiêu điểm ?". Câu hỏi của phụ huynh " bao nhiêu phần trăm trên trung bình ?" Còn câu hỏi của tôi là câu hỏi : "Tại sao !Tại sao ! Tại sao !". Cái phụ hóa ra là chính, cái ảo hóa ra là thật, cái "thi đua" hóa "đua thi" như món hàng trang điểm cho cái danh vang sừng sỏ ?

Tôi phải nói thêm cho ... công bằng, không phải chỉ là "vị đắng". Vì vừa mới trên forum (www.gvphuong.forumup.com) học trò viết "...Thay chua post dap' an' 11 len hixhix lai cho` nua~ goy`...hixhix hi vong con la`m giong dap an' de duoc thay bao an kem hehe (moon_thocon). Vậy là còn có học trò tin ở chính mình, mong nhận lời khen, phần thưởng của Thầy ! Còn có tiếng reo vui "đòi" xem đáp án ? Còn có lọai "đáp án" là kem, là kẹo, là vị ngọt của bài học bài làm, là qủa ngọt kết trái của "ơn cha nghĩa mẹ công ...trò". Đâu phải "đáp án" là cái ".án" treo lở lửng trên đầu học trò, hay "án" nặng chịch làm "xèo" tắt hy vọng của mẹ cha, hay cái "án" trên giá treo ... sách (í, treo cổ) ông Thầy ! (hê hê). Và cũng tối hôm qua, ngay trước khi bước vào cửa lớp. tôi gặp một phụ huynh với những tâm tự, gửi gắm chờ mong ...những là BẤT AN, là hệ lụy ! Ôi, ông Thầy cũng mong cũng chờ một ĐÁP ÁN , nói gì con trẻ !

Đáp án cho một bài tóan : lời giải tầm thường !

Còn đáp án cho một định hướng đời người, cho một thế hệ ?


Ôi cái "hệ" học trò nay có phải bị già đi rồi, hết tuổi thơ, hết mơ ước để rất thực tiễn, rất vào đời hơn thua, đâu cái "thời" của nhà thơ Đinh Hùng ? Đã mất !


Khi mới nhớn, tuổi mười lăm, mười bảy,
Làm học trò mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên chân vẫn dạo bên người
Ngoài cặp sách trần ai xem cũng nhẹ !

Đời thấp thoáng qua học đường nhỏ bé
Phố phường cuộc sống mới lên hoa
Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa
Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp

Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm
Ôi tiếng nào vang bốn bức tường câm ?
Không khí nặng mơ hồ thầy với bạn

Ta lớn lên, bước đường không giới hạn
Có lẽ đâu kiềm giữ nổi tay người
Tuổi hoa hồng kiêu hãnh của ta ơi !
Tình đã hẹn ở trên đường nắng mới
......

Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay ?
Làm học trò không sách vở cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ (Khi mới nhớn - Đinh Hùng)

......

Chỉ còn là lo toan nhỏ (của người nhỏ) "bị trừ bao nhiêu điểm" và lo toan lớn (của người lớn)"bao nhiêu % trên trung bình"

'làm ông thầy lòng ruột xách cầm tay,
có tâm sự đi nói cùng ...Bộ Trưởng"

tPhương

03 tháng 10, 2006

Mơ về Trung Thu nhỏ !

photo Yahoo


Mơ về Trung Thu nhỏ !


Đừng ngạc nhiên, đừng thắc mắc. Tôi "chơi nổi" dùng từ cho có ..."ấn tượng" ấy mà !

Tối qua đang chở vợ nhông nhông ngòai đường, vợ tôi hỏi bao nhiêu "ta"rồi, tôi nói một "tây" rồi (!) Vợ tôi cằn nhằn " ông nói gà bà nói vịt"! Ý là vợ tôi thấy nơi nơi bán bánh Trung Thu đang treo băng rôn lớn "mua một tặng một" nên ngạc nhiên không biết trung thu đã qua rồi sao ? Thường năm mùa bánh trung thu dài lắm, đến một, hai tháng, mà thông lệ là sau rằm mới "đại hạ giá". Có thể nói bánh trung thu có ... 2 mùa : mùa chạy rong túi hộp "ngòai đường", và mùa bao bịch "về nhà" - hậu trung thu của "giới nghèo thành thị"! Cũng phải thôi "tiên thiên hạ ... ăn" (???) - thì ông bà mình nói sang, nói lễ "nhịn miệng đãi khách" vậy mà - khéo thật !

Trung thu nhỏ, không phải là trung thu "chính thống giáo", hay là trung thu nhân lễ nghĩa của người lớn "ăn theo" , mà là trung thu của ... tuổi nhỏ tuổi thơ, và trung thu của thằng nhóc tôi ngày xa xưa đó ! Tôi tin là con tôi, học trò tôi chắc cũng rất và rất thích thú muốn biết ? Thì tôi cũng phấn kích vào phim "trở về qúa khứ" vậy, nào "Action!"

Mơ về trung thu nhỏ, cái gì cũng nhỏ, cũng xinh, cũng dễ thương ! Ngôi trường nhỏ dăm ba lớp (trường tiểu học Bình Minh, góc ngã ba Kỳ đồng, Trương minh Giảng), lớp học nhỏ, cậu học trò nhỏ, và qùa trung thu thì tuy nhỏ nhưng thật là chóang ngợp ! Này nhé 1 cái bánh nướng (hoặc dẽo) vuông vức cạnh 5 cm thôi - 1 chiếc đèn xếp cở bàn tay vừa khéo với 2 đèn cầy tí xíu - và đặc biệt là 1 con thú nho nhỏ bằng bột, màu sắc rất xinh nào lân, sư tử, cóc, cá ... Tôi nói đặc biệt vì bánh, đèn chỉ có 1 lọai ai cũng giống ai, nhưng con thú chỉ được một (và chỉ một) trong số bầy đàn mà con nào cũng ngộ, cũng hay ! Thế mới hồi hộp khi Thầy cầm con thú trao tay. Tôi, bạn khác nhau. Thế là khen chê tị nạnh nhau (chiến tranh), gạ nhau đổi chát (hòa bình)...Đừng nói chỉ có người lớn ăn theo "trung thu" con nít, mà trung thu "chiến tranh & hòa bình" này con nít cũng học đòi "ăn theo" người lớn rồi đó ! (hòa, một đều ?)

Rồi cũng hết buổi ì xèo trong lớp, rồi rinh cái đám "trung thu nhỏ" về nhà chơi tiếp. Tôi đem khoe ông nội tôi con kỳ lân rất đẹp rất oai rất ... hết biết. Tôi hậu đậu sao đó, hay vội vàng thế nào, ông tôi chưa kịp cầm ngắm nghía thì tôi đã buông. Óach, con kỳ lân "còn sống" nhảy khỏi tay ... ông (hồi nhỏ tôi nghĩ vậy !), gãy đôi mình đầu rồi ! Tức chưa, tiếc cực kỳ ! tôi lăn đùng ra nằm vạ, hu hu . Ông tôi dỗ, để mua mấy con khác, to hơn, đẹp hơn. Tôi càng khóc dữ, làm mình làm mẩy, không, phải đúng con này nguyên vẹn cơ ! Tôi chắc mẫm không thể nào làm lành con lân lại được nên càng tức tưởi làm già ! (hư qúa há !). Bạn ơi, ông nội tôi ngắm nghía (tôi có hé hé mắt theo dỏi chứ không nhắm tịt mắt mà khóc đâu ). Ông tôi rút cây chân nhang trên bàn thờ, bẻ một đọan nhỏ, cắm vào đầu lân, chừa một đầu, rồi cắm mình lân vào đầu chân nhang còn lại đang lú. Ôi tuyệt vời, tôi há hốc mồm vì kinh ngạc, hết lu loa ngay tức khắc. Con lân của tôi nguyên vẹn, vểnh đầu "húc hắc" chào tôi. Ôi chao, ngày đó tôi "phục" ông nội tôi vô cùng ! Ông tôi cái gì cũng làm đựoc, tôi dám khoe với các bạn nhỏ như vậy đó !

Còn ba tôi, cái gì cũng làm được (khoe luôn thể nè) ! Nói có sách mách có chứng thôi, trong xóm tôi con nít chơi trung thu bằng đồ chơi tự chế (không có lồng đèn gì đâu) Một cái lon Coke, xẻ năm bảy đường dọc, đập bẹp cho lùn dúm xuống, gắn cây đèn cầy bên trong, đơn giản, vừa phát ánh sáng ra ngòai (thì đèn phải sáng chứ) mà "nửa kín nửa hở" cũng che chắn chừng mực cho ngọn lửa khó bị gió thổi tắt. "Muốn "cơ học" hơn thì làm bánh xe bằng lon sữa bò lăn trên đường bởi nối 1 que đẩy chữ L cầm tay, còn lon coke (ngọn đèn) đặt trên lon bánh xe này, quay mòng mòng quanh trục thẳng đứng do "ma sát" với lon sữa khi bánh xe lăn. (chắc hôm nào dạy chuyển động quay của vật rắn - lớp 12- hay bài ma sát lăn - lớp 10 - phải cho học trò làm ... đồ dùng dạy học ... chơi, ai chấm C, D cũng ... kệ). "Đồ chơi" Trung Thu của tôi xịn hơn của đám con nít đó. Ba tôi dẫn tôi ra tiệm treo lủng lẳng cơ man nào đèn trung thu, hỏi tôi thích đèn nào (?) Tôi chỉ đại (vì vượt quá mơ ước của mình, không dám tin, được gì ...cũng tốt !). Đó là một chiếc tàu thủy. Ba tôi ngắm chiếc tàu thủy hình như còn lâu hơn tôi. (vì tôi chỉ xong rồi cũng ... hổng dám dòm tiếp). Ngắm nghía rất lâu (y như ông nội tôi) rồi ... kéo tay tôi về ! Tôi cũng không ngạc nhiên và cũng không dám hỏi. Tôi chỉ hiểu ra khi ba tôi lôi về tre, ông tẳn mẳn vót tre cắt kẽm làm khung một chiếc tàu thủy, có ống khói, có nòng súng đàng hòang (lúc này đang là thời chiến), xong phết giấy bóng kiếng đỏ lên. (mấy hôm mới xong đấy). Tôi trố mắt nhìn ông làm mà trong lòng rất là sướng và phục sát đất. Với tôi, chưa từng có chiếc tàu nào ở tiệm đẹp bằng vậy đâu. !(thì bạn cứ bảo cha hát con khen hay đi). Trong xóm, có một mình tôi có đèn trung thu (thứ thiệt), bạn nhỏ trong xóm "ngưỡng mộ" nha ! "Ngưỡng mộ" bằng cách ...cứ ghé miệng vào thổi đèn cầy cho nó tắt. Bạn biết mà, châm đèn cho cái lon Coke thì vô tư, còn châm đèn cho tàu giấy thì sợ nó cháy (mà tôi thì hậu đậu lóng ca lóng cóng) nên càng phát khùng với lũ chúng bạn qủy quái ! Chiến tranh và hòa bình ! (a-lê, một trong hai thôi chứ chẳng nho nhã .. và hòa bình như văn hào L. Tolstoi của Nga đâu !).

Biết chuyện, ba tôi kể với tôi, ban đêm ông chiêm bao thấy súng trên tàu khạc ra lửa, nhà cháy (!) và đem chiếc tàu làm cho tôi ra đốt....

Còn tôi, chiêm bao giấc mơ về trung thu nhỏ !

tPhương (Ba ơi !)

29 tháng 9, 2006

Kỳ vọng vào ... thầy !

Kỳ vọng vào ... Thầy

"Thầy ơi kíu con với, bài nhiều qúa ..." Học trò post lên trang blog 360.yahoo của tôi như thế đó. "Cô ơi, mõi não rồi cô ơi!". Lời ... kiệt sức hay lời ... gửi gắm, hay lời tâm sự ...tin yêu ? Tôi mang trách nhiệm của người dạy, vậy phải trả lời học trò thế nào ? Là Thầy Cô ai chẳng ... kỳ vọng ở học trò , ở sản phẩm, ở "cái lò " của mình ! Học ra học thì có con đường học nào dành cho ... vua chúa đâu ! (cả ở nước ngòai đó con). Hóa ra lời Thầy nói có làm con ... tuyệt vọng ? Thầy nói để con bình tỉnh lại, nếu có chiếc đũa thần thầy sẽ gỏ 3 cái. (xin nói riêng với Sư huynh, Sư đệ tôi ơi, đừng qui tôi là "phá cách" "phản môn" "phản sư ... tử " (xí lộn - sư phạm chứ !) thì tôi mới nói thật được ! Không trả lời, là ngườiThầy "vô cảm", tệ qúa !, Nếu trả lời thật : coi chừng "mất thi đua" "mất dạy ... vô lương" (hu hu, đói) Đường nào cũng từ chết đến bị thương.

Gỏ một cái thứ nhất. Người ta thường thích làm cái mà mình thích. Đúng không ? Đừng nói khẩu hiệu : động cơ học tập (phải ... đứng đắn), lý tưởng (phải lý tưởng thanh niên ... thời đại !), báo hiếu (công cha nghĩa mẹ ơn thầy, còn thiếu ơn ai nữa ?).... Hãy nói điều ..rất đời thường đi ! Trang lứa con có ai là không học, và đâu phải chỉ mình con chịu ... áp lực (!) (không học phải bị "xóa mù" lần 1, "tái mù" phải xóa lần 2, 3 ... để có công ăn việc làm ổn định cho phong trào !). Không tránh được thì đừng ở thế bị động nữa ! Hồ hởi, bonjour người anh em là trang sách vở, hạ nó "knock out" đi ... thế mới là bản lãnh (học trò MK). Tìm cái hay, cái đẹp, cái lý thú đi. Xem như nhà thơ Đỗ Trung Quân viết nè :

Ngồi cùng trang giấy nhỏ
Tôi đi học mỗi ngày.

Tôi học cây xương rồng
Trời xanh cùng nắng, bão
Tôi học trong nụ hồng
Màu hoa chừng rỏ máu.

Tôi học lời ngọn gió
Chẳng bao giờ vu vơ
Tôi học lời của biển
Đừng hạn hẹp bến bờ.

Tôi học lời con trẻ
Về thế giới sạch trong
Tôi học lời già cả
Về cuộc sống vô cùng.

(Ngụ ngôn của mỗi ngày - thơ Đỗ Trung Quân)

Còn muốn thích tóan học, nghe lời tình tự của nhà tóan học Nguyễn Xuân Vinh, phi công Tòan Phong, khoa học gia ở Nasa :

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao mơ ưóc, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.
Anh chờ đợi một lời em giải thích,
Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.
Hệ số đo cường độ của tình thương,
Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.

Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,
Tính không ra phương chính của cấp thang.
Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,
Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm .

(Tình hư ảo - Tòan Phong Nguyễn Xuân Vinh)


Muốn thích Lý thì sao ? À à, con huých đứa bạn bên cạnh, sẽ biết "phản lực", Con đảo con mắt trái, nháy con mắt phải (trong giờ thi) thì sẽ biết "thị trường " của ông thầy thôi. Đang im ru cho thử "dế" ré thì biết "sóng âm" phản hồi của giám thị. v.v...Tuyệt vời phải không ? Cứ thử và khám phá !

Con có thích điểm 10 không ? tưởng tượng buổi học hôm nay có một cái 10, hai cái 10 ... (nè, buổi học có đến 5 tiết đó nha, 1 hay 2 điểm 10 còn là ... chuyện nhỏ ? ). Mà 10 cũng là ... 1 ! (chứ gì nữa, ... là "nhất" đấy, hihi !) Mà 2 cái nhất là ... hạng đến 11 đó. Hì hì, thầy lý nhiểm thuyết "tương đối" Einstein rồi. Giỏi hay không, không phải chỉ có thước đo là điểm số, mà ở thái độ học của con, lăn xả hay không. Có vui thì quên mệt, và hơn thế nữa, con sẽ hưởng được sự đền bù :niềm vui thành công thật to lớn vô cùng.

Nếu chẳng "care" mấy cái điểm số đó con thử như nhà thơ Huy Cận tìm ... gì đó (ông Thầy) để cười, giấc mộng nào đó để mơ (ngủ ngon nhá con) :

Gió thổi sân trường chiều chủ nhật
- Ôi! Thời thơ bé tuổi mười lăm
Nắng hoe rải nhặt hoa trên đất
Đời dịu vừa như nguyệt trước rằm.
Bốn vách nghiêm trang tiếng đọc bài
Đầu xanh dặm chục, nét văn khôi
Chiều xuân chim sẻ vô trong lớp
Ông giáo trông lên; chúng bạn cười.

Lén mắt thầy, xem lại bức thư
Của người cô họ, chú hiền từ
Bàn tay vơ vẩn đưa trang sách
Mộng tưởng phiêu lưu bức địa đồ.

.... (Học sinh - Huy Cận)

Gỏ cái thứ hai. Biết học hay là cách học v/s học nhiều nhồi cho lắm ! Mỗi Thầy Cô đều có kinh nghiệm ...rất riêng ! Còn thầy thì sẽ đố con câu hỏi này : " con Bò chỉ ăn tòan cỏ, béo bổ gì mà phát tướng .. to như Bò ?" (gv sinh vật, xin cho phép tôi múa rìu qua mắt thợ) Bò là lòai nhai lại (đúng không) nên dù cỏ khô, cũng được tận dụng mà phát huy ... tinh túy. (con phải thấy cái mặt thầy .... vênh vênh để đừng có ... tưởng thiệt nhá). Nhưng phải tin ông bà mình "chí lí" khi nói "văn ôn võ luyện" ! Tập võ, đai trắng đai đen gì cũng đi những bài quyền đâu phải để khi đụng trận là múa may y bài bản ? Cái luyện tập đơn giản như đang giởn mà nó ngấm thành phản xạ mới là của mình (của qua !). Học lại "chán lắm" nhai lại, ý ẹ ...ghê qúa ! "không bao giờ ta tắm hai lần trên một giòng sông", con có thấy sắc màu khác khi xem lại, học lại lần thứ hai ? đổi cách giải khác đi, đổi dữ kiện khác , biến cách đi ... Cũ mà mới (mới mà cũ), ít mà nhiều (nhiều mà ít), dở mà giỏi (lúc nào không biết à ?)

Gỏ cái thứ ba. Câu chuyện ở Trung quốc

Trung Quốc: cho học sinh tự chọn bài tập

Thứ Năm, 21/09/2006, 04:07 (GMT+7)
TT - Bắt đầu năm học này, hơn 700 trường tiểu học, trung học ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc tiến hành một cuộc cải cách về cách ra đề bài tập về nhà. Theo đó, học sinh căn cứ vào sở thích, trình độ học vấn của mình để lựa chọn một môn bài tập thích nhất và giáo viên căn cứ vào đó để ra nhiều loại bài tập khác nhau.

Cô Vương Văn - Trường tiểu học Điện Than, Cáp Nhĩ Tân - cho biết: “Trước đây bài tập cho các học sinh đều như nhau, nhưng hiện giáo viên phải chia học sinh ra nhiều tổ, căn cứ vào năng lực học tập của các em mà ra bài tập khác nhau. Lượng bài tập ít đi, học sinh tích cực học, ít xảy ra tình trạng không làm hết bài tập về nhà”.

Trương - một học sinh tiểu học - cũng cho biết trước đây thường xuyên không làm hết bài về nhà, còn mô hình bài tập tự chọn hiện nay khiến học sinh rất thích, làm bài tập về nhà không còn là gánh nặng mà trở thành một thú vui của học sinh. C.CHÁNH (Theo Youth)


Cũng câu chuyện người Trung Quốc, tôi quen một số bạn gốc Hoa, và cũng từng làm chung với nguời Hoa nên biết điều này. Cha mẹ giao con cái gia tài để làm ăn, nhưng không can dự chỉ đạo, thua lổ thì ráng chịu, thì thôi, tự mua bài học cho chính mình mà ! Đó là cái tự do TỰ DO THẤT BẠI ! Cha mẹ (VN) có dám không ? Thày Cô dám không ? Có nhân đạo không khi "sống chín" gì cũng ....

Gỏ ba cái mà không... ổn thì thầy Phương biến (biến rồi, chạy rồi thì đừng có ...đánh, bớ Sư Huynh Sư Đệ ơii) , quay về e hèm GODAUTRE vậy ! (học sinh song ngữ đừng dịch từ này)


tPhương