28 tháng 5, 2007

Bản du ca cuối cùng

Image Hosted by ImageShack.us

Born: June 22, 1898

Osnabrück, Germany
Died: September 25, 1970

Locarno, Switzerland
Occupation: Novelist
Nationality: German
Influences: Immanuel Kant, Karl May, Frank Wedekind, Rainer Maria Rilke


Bản du ca cuối cùng , Erich Maria Remarque

Nguyên tác Đức văn : Lieben Deinen Nachsten của Erich Maria Remarque.

Bản Pháp văn: Les Exilés do Andre R. Picard dịch.

Bản Việt Văn: Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống do Vũ Kim Thư dịch.






Viên sĩ quan ra lệnh:

- Phải đặc biệt để ý hai tên này. Còng chúng lại.

Người mặc áo sơmi đột nhiên hỏi:

- Cảnh sát thành Vienne có được quyền đánh đập những người bị bắt giữ không?

Viên sĩ quan đáp gọn:

- Còn nhiều quyền hơn.

- Thôi, đi!

Kern và người kia mặc quần áo vào. Người Cảnh sát không có súng móc còng ra:

- Lại đây, các con. Mang còng cũng như mang bao tay vậy thôi.

Thép chạm vào tay nghe lành lạnh. Lần đầu tiên Kern bị còng. Những vòng thép không hề gây trở ngại lúc đi. Nhưng Kern có cảm tưởng như không phải chỉ có hai cổ tay bị xích.

Bên ngoài, trời đã sáng mờ. Hai chiếc xe Cảnh sát dừng lại trước ngôi nhà. Steiner, người bị bắt chung với Kern – nheo mắt:

- Một đám tang thượng hạng, phải vậy không cậu bé?

Kern không trả lời, cố che đôi tay bị còng vào vạt áo. Một vài gã bán sữa tươi tò mò đứng lại xem. Trong khuôn cửa tối mờ, một vài bóng người xuất hiện. Có tiếng cười chế nhạo giọng đàn bà.

Khoảng ba mươi người bị bắt lên xe, những chiếc xe Cảnh sát không mui. Hầu hết đều ngoan ngoãn trèo lên, trừ bà lão chủ nhà trọ, mập béo, trạc năm mươi tuổi. Vài tháng trước, bà ta đã cho sửa sang đôi chút hai tầng lầu trên của ngôi nhà tồi tàn thành một nơi ở trọ. Rồi tiếng đồn lan mau là người ta có thể đến trọ nơi đó mà không cần có giấy tờ hợp lệ mà cũng chẳng phải khai báo gì cả. Trong tất cả những người ở trọ chỉ có bốn người khai báo: một gã bán hàng rong, một chuyên viên trừ chuột và hai ả điếm. Những kẻ ở lậu chỉ trở về lúc ban đêm. Hầu hết đều là dân tị nạn hay di dân từ Đức, Ba Lan, Ý và Nga tới.

Viên sĩ quan bảo bà chủ nhà trọ:

- Thôi lên mau đi. Chút nữa tới bót rồi giải thích.

Bà chủ nhà trọ rít lớn:

- Tôi phản đối.

- Được rồi, muốn phản đối bao nhiêu cũng được. Nhưng bây giờ thì phải lên xe.

Hai Cảnh sát viên kéo tay bà ta đẩy lên. Viên sĩ quan nhìn về phía Kern và Steiner:

- Coi chừng hai tên đó.

Steiner lên xe:

- Cám ơn.

Kern bước lên theo. Xe nổ máy. Một giọng đàn bà từ phía một cửa sổ kêu lớn:

- Vĩnh biệt, nghe!

Rồi một giọng đàn ông vang tới:

- Giết hết bọn di dân khốn nạn đó đi. Như vậy đỡ khỏi phải nuôi.

Xe chạy khá nhanh vì đường phố vẫn còn thưa vắng. Khoảng trời phía sau các dãy nhà như lùi lại, đang bắt đầu sáng tỏ với màu xanh trong, nhưng những người bị giam bó trên xe chỉ là một khối mờ ảm đạm như cành liễu mùa thu. Một vài Cảnh sát viên gặm bánh mì thịt và uống cà phê trong bình đựng nước.

Gần tới cầu Aspern, một chiếc xe rau cải băng qua đường. Các xe Cảnh sát thắng gấp rồi gia tăng tốc độ. Ngay lúc đó, một người bị bắt trên chiếc xe thứ hai nhảy xuống. Cả một thân người rơi phịch trên mặt đường.

Người tài xế hô to:

- Dừng lại. Bắn ngay, nếu nó chạy.

Chiếc xe thắng lết. Một số Cảnh sát viên trên xe nhảy phóc xuống, chạy tới nơi. Gã tài xế quay nhìn ra sau. Thấy người kia vẫn còn nằm bất động, hắn lui xe lại.

Người toan đào tẩu nằm ngửa giữa đường, gáy chạm vào một hòn đá. Ông ta nằm đó, chiếc áo ngoài mở rộng, tay chân dang thẳng ra trông như một con dơi khổng lồ vừa bị hạ. Viên sĩ quan hét lớn:

- Lôi nó dậy.

Hai người Cảnh sát khom xuống. Rồi một người đứng lên:

- Chắc gãy xương, hết đứng nổi nữa.

- Đứng không nổi hả? Lôi nó dậy.

Người Cảnh sát đánh Steiner lúc nãy thản nhiên bảo:

- Cho nó một đá là nó đứng dậy ngay.

Người nằn dưới đường rên nhỏ. Một Cảnh sát viên lắc đầu:

- Không dậy được đâu. Đầu ông ta chảy máu.

Gã tài xế xuống xe, càu nhàu:

- Quân ăn hại!

Rồi hắn ngước lên những người còn trên xe, trợn mắt:

- Ngồi yên nghe không! Đồ khốn kiếp! Rắc rối mãi!

Chiếc xe lúc đó đã đậu sát người bị thương. Từ trên nhìn xuống, Kern nhận ra kẻ toan chạy trốn đó là một người Do Thái – Ba Lan ốm yếu, râu xám bạc. Kern đã từng nhiều lần ở cùng phòng với con người già nua đó. Anh còn nhớ hồi khuya, ông lão đứng bên cửa sổ lâm râm cầu nguyện với một xâu bùa trên tay. Ông ta sống với nghề bán dạo các ống chỉ may, dây nhợ, và đã từng bị trục xuất ba lần khỏi nước Áo.

Viên sĩ quan hất hàm:

- Đứng lên! Tại sao nhảy xuống xe? Bộ sợ lắm rồi hả? Ăn trộm hay giựt dọc?

Ông lão máy môi, mắt mở to nhìn viên sĩ quan.

- Sao, ông ta nói gì?

Người Cảnh sát đang quỳ một chân bên cạnh ông ta, đáp:

- Ông ta bảo là quá sợ.

- Sợ. Dĩ nhiên. Sao không bảo là đã giết cha, giết mẹ? Ông ta nói gì?

- Ông ta nói là chẳng làm gì đáng trách cả.

- Tất cả đều nói vậy. Bây giờ làm sao đây?

Từ trên xe, Steiner bảo:

- Phải gọi bác sĩ.

Viên sĩ quan lườm:

- Câm! Tìm đâu ra bác sĩ giờ này? Cũng không thể để nằm giữa đường. Rồi thế nào cũng có người đổ lỗi cho Cảnh sát.

Steiner lại nói:

- Nên đưa vào nhà thương. Cần đưa gấp.

Viên sĩ quan do dự vì biết rằng ông lão đang bị thương rất nặng nên quên nạt Steiner.

- Nhà thương! Họ không nhận đâu. Phải có giấy nhập viện. Trước hết còn phải làm phúc trình.

Steiner nói:

- Đưa vào bệnh viện Do Thái. Họ không cần giấy nhập viện, không cần phúc trình. Cũng không cần phải có tiền.

Viên sĩ quan nhìn anh ta không chớp mắt:

- Sao biết rõ vậy, hả?

Một Cảnh sát viên đề nghị:

- Nên đưa tới một trạm cứu cấp. Ở đó luôn luôn có y tá trực hoặc một bác sĩ. Họ sẽ lo những gì cần thiết, mình kể như phủi tay.

- Tốt, khiêng ông ta lên. Tới đó để một người ở lại canh. Đủ chuyện rắc rối.

Những người Cảnh sát đỡ ông lão dậy. Ông ta rên rỉ, mặt xám xịt. Họ đặt ông lên sàn xe. Ông lão giựt mình, mắt mở to. Một cái gì khác thường hiện ra trong ánh mắt, trên khuôn mặt thống khổ thù hận. Viên sĩ quan cắn môi:

- Ngu quá! Từng tuổi đó mà còn dám nhảy trong lúc xe đang chạy. Thôi, nổ máy đi. Chạy từ từ.

Phía dưới đầu ông lão, máu từ từ đọng vũng. Những ngón tay trơ xương cào nhẹ sườn xe. Môi lần lần co lại, lộ rõ mấy chiếc răng, trông giống như phía sau khuôn mặt đang nhăn nhó vì đau đớn đó, một kẻ nào khác đang mỉm cười câm lặng và khinh bạc.

Người Cảnh sát lúc nãy quỳ bên cạnh ông lão bây giờ lại quỳ xuống nâng đầu ông lên cố giữ cho khỏi chạm vào sàn và xe nhồi lắc. Một lúc khá lâu, người Cảnh sát nói:

- Ông ta bảo muốn đi tìm mấy con vì chúng nó sắp chết đói.

- Khùng, làm sao chết đói được. Chúng nó ở đâu?

Người Cảnh sát khom mình sát xuống rồi ngẩng lên:

- Ông ta không chịu nói, sợ chúng bị trục xuất vì không có giấy tờ cư trú.

- Lại kiếm chuyện. Ông ta nói gì nữa?

- Ông ta xin thiếu úy thứ lỗi.

Viên sĩ quan ngạc nhiên:

- Sao?

- Ông ta xin thứ lỗi vì đã gây phiền phức.

- Thứ lỗi, lại chuyện lạ gì nữa đây?

Viên sĩ quan lắc đầu, nhìn sững ông lão.

Xe dừng lại trước trạm cứu thương. Viên sĩ quan ra lệnh:

- Đưa ông ta vào. Nhưng phải coi chừng. Rohde, ở lại đây cho đến khi tôi điện thoại tới.

Một số Cảnh sát viên đỡ ông lão dậy. Steiner nghiêng mình tới:

- Ông già, chúng tôi sẽ tìm thấy mấy đứa nhỏ. Bọn này sẽ giúp chúng, nghe rõ không?

Ông lão nhắm mắt lại, rồi mở ra. Ba người Cảnh sát khiêng ông ta vào trạm. Cánh tay người bị thương đong đưa, kéo lê trên thềm đường. Một lúc sau, mấy người Cảnh sát trở ra và lên xe. Viên sĩ quan hỏi:

- Có nói thêm gì nữa không?

- Không. Hoàn toàn hôn mê. Nếu gãy xương sống, chắc không lâu.

- Kệ. Vậy là bớt đi một tên Do Thái.

Người Cảnh sát đánh Steiner lúc nãy vẫn nói giọng thản nhiên trong khi viên sĩ quan lẩm bẩm:

- Xin mình tha lỗi. Kể cũng lạ… Steiner chen vào:

- Nhất là giữa thời buổi này.



Erich Maria Remarque

nguồn VNthuquan



Không có nhận xét nào: