28 tháng 5, 2007

Cuộc phiêu lưu của những con chữ (*)

(*) Truyện Chọn Lọc, nhà văn Trần Hòai Dương



Image Hosted by ImageShack.us

1. NHÂN VẬT CHÍNH TỰ GIỚI THIỆU
Tôi là một con chữ chì ở nhà in. Tên tôi là A. Từ lâu tôi đã nổi tiếng, hễ nhắc đến tên, ai cũng biết. Khi vui sướng quá, người ta thường reo tên tôi trước tiên: "A-a-a!". Khi ngạc nhiên, sửng sốt, người ta cũng kêu lên: "A!". Khi đau đớn không chịu nổi, người ta cũng gọi tên tôi, mong tìm một người bạn che chở: "A-a-á!". Hàng năm, cứ đến ngày khai trường, hàng triệu trẻ em ở khắp nơi bao giờ cũng phải làm quen với tôi trước tiên. Tôi đứng đầu bảng chữ cái nước ta. Trong bảng chữ cái của nhiều nước trên thế giới, tôi cũng là chữ được người ta trân trọng xếp ở hàng đầu... Còn nhiều ví dụ tương tự, không thể kể hết được.

2. CUNG ĐIỆN ÁNH SÁNG VÀ CUỐN SÁCH ƯỚC
Một hôm, có câu chuyện tình cờ nhưng thật thú vị. Cô thợ xếp chữ để quên quyển sách giáo khoa bên hộp chữ chúng tôi. Sự việc ngẫu nhiên ấy không ngờ lại mở đầu cho hàng loạt những thay đổi lớn trong đời tôi. Cô Sách Giáo Khoa vốn là một người hiểu biết. Cô kể cho chúng tôi nghe về một xứ sở kỳ lạ. ở đấy mọi người sống rất sung sướng, và điều làm chúng tôi mê nhất là có Cung điện ánh Sáng, nơi dành riêng cho trẻ em ngày ngày đến vui chơi. Trong cung điện, có đủ các phòng dạy nhạc, dạy múa hát, phòng dạy vẽ dạy nặn tượng, phòng chơi bóng bàn, phòng nghe kể chuyện cổ tích; có bãi chơi bóng chuyền, bóng rổ; có bể bơi, có đài thiên văn với những ống kính viễn vọng quan sát bầu trời... Đặc biệt, ở đấy có một thư viện rất lớn, đủ các loại sách quý. Đối với các bạn, đó chỉ là những quyển sách, nhưng đối với họ nhà chữ chúng tôi thì đó là những tòa lâu đài thật sự. Từ thời xa xưa, khi tổ tiên loài chữ chúng tôi còn phải sống trên những tấm da cừu, những thanh tre, các cụ đã từng mơ ước sau này con cháu được ở trong những tòa lâu đài đồ sộ - đó là những cuốn sách giấy tốt, bìa bằng da thuộc mầu nâu bóng, gáy in chữ mạ vàng...
Khi cô Sách Giáo Khoa nói đến những cuốn sách như thế, cả hộp chữ chúng tôi xôn xao hẳn lên, tất cả reo nhảy mừng rỡ. Chúng nó tranh nhau hỏi hết câu này đến câu khác làm cho cô không còn biết trả lời thế nào. Tôi và mấy thằng bạn quay ra bàn riêng với nhau. Không biết trong cung điện ấy có cuốn sách ước không? Đã nhiều lần chúng tôi nghe nói về cuốn sách lạ ấy. Nó chỉ nhỏ bằng một bao diêm, nhưng những trang sách đều làm bằng một chất gì đó sáng lóng lánh và thơm ngào ngạt. (Nghe đâu nó được chế biến từ những cánh hoa của một vạn loài hoa thơm trên trái đất). Cuốn sách được giấu trong một bông sen bằng vàng. Khi muốn ước, chỉ cần nói: "Sách ơi, mở ra! ước gì được..." là bông sen từ từ nở, một ánh sáng kỳ ảo, một làn hương lạ lùng bắt đầu tỏa ra và cuốn sách lấp lánh hiện trước mắt cho mình tha hồ ước, muốn gì được nấy. Chẳng hạn nói: "ước gì tôi biến thành một con chữ đúc bằng vàng, còn bạn bè tôi mãi mãi chỉ là những con chữ chì". Thế là trong nháy mắt, tôi bỗng sáng lóng lánh như ngôi sao mai, còn tụi bạn tôi thì khóc dở mếu dở vì cho đến hết đời chúng cũng chỉ là những con chữ chì đen xỉn.
Đấy, cuốn sách ước là như thế. Liệu trong cung điện ánh Sáng có không? Đứa bảo không, đứa bảo có. Riêng tôi, tôi tin có quá đi ấy chứ! Đã là một cung điện tuyệt vời như thế thì cuốn sách ước nào có thấm tháp gì?
Chúng tôi tranh nhau hỏi cô Sách Giáo Khoa, đứa nào cũng muốn phần đúng thuộc về mình. Cô Sách Giáo Khoa đang nhíu lông mày, cố lắng nghe câu chúng tôi hỏi, chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao, thì cô thợ xếp chữ đã chạy vào, reo lên sung sướng: "Đây rồi! Cuốn sách đây rồi! Thế mà tìm cuống lên, khắp nơi không thấy!" Cô Sách Giáo Khoa ra đi đột ngột, làm bao nhiêu câu hỏi không được ai trả lời. Bọn chúng tôi càng tranh cãi hăng hơn. Từ hôm ấy, cung điện ánh Sáng với cuốn Sách ước luôn luôn ám ảnh tôi.

3. TÔI CẢM THẤY KHÔNG AI HIỂU NỔI MÌNH - NGƯỜI TA ĐÁNH GIÁ KHÔNG ĐÚNG VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA TÔI - Ý NGHĨ LÀM MỘT CUỘC PHIÊU LƯU ĐÃ NẢY SINH NHƯ THẾ NÀO?
Tôi quyết định ra đi. Sống quanh quẩn ở nhà mãi, chán lắm. Khổ nhất là bị gò bó, lúc nào cũng phải sống trong một trật tự, mất hết thoải mái. Bạn bè chẳng ai hiểu tôi. Họ không đánh giá hết vai trò quan trọng loại A của tôi. Chữ A thì bao giờ cũng phải được ưu tiên đứng ở hàng đầu. Họ không hiểu điều đơn giản ấy, nhiều lúc cứ nhét tôi vào giữa, thậm chí vào cuối hàng chữ. Đã thế, cô thợ xếp chữ lại đứng về phe họ, hễ tôi vừa trồi lên đứng hàng đầu, là cô lại gắp tôi, nhét trở lại chỗ cũ. ức không chịu được. Phải bỏ đi thôi! Tôi sẽ tìm bằng được cung điện ánh Sáng và cuốn Sách ước. Tôi sẽ ước sao được sống một mình, muốn làm gì, muốn ở đâu là tùy theo ý mình. Tôi sẽ bí mật lẻn đi. Tìm được cung điện ánh Sáng và cuốn Sách ước rồi, tôi sẽ mời các nhà báo đến họp để công bố kết quả cuộc thám hiểm. Tôi sẽ kể lại thật tỉ mỉ quá trình đầy gian khổ để đi tìm cung điện. Tôi cũng sẽ cho mọi người xem tất cả tranh ảnh, tài liệu nói về cung điện. Duy chỉ có cuốn Sách ước là tôi sẽ giấu kín. Bí mật! Phải tuyệt đối bí mật! Cuốn sách đó là thuộc quyền sở hữu của riêng tôi. Nhưng như thế liệu có giảm bớt tiếng tăm không nhỉ? Không, chỉ riêng việc tìm ra cuốn sách ánh Sáng cũng đã nổi tiếng lắm rồi. Các báo sẽ ra những số đặc biệt nói về cuộc phiêu lưu của tôi. Người ta sẽ ca ngợi tôi hết lời. Nào là: "Một thành tích kỳ diệu: Ông A một mình tìm ra cung điện ánh Sáng". Nào là "Một mình ông A đã lập được chiến công lừng lẫy!". Một mình! Một mình! Cái gì cũng một mình tôi, thật thú vị! Và càng thú vị hơn nữa là riêng mình tôi chiếm được cuốn Sách ước!
Càng nghĩ, lòng tôi càng náo nức hẳn lên. Viễn cảnh tươi sáng làm tôi ngây ngất. Không tài nào giữ được ý định thầm kín một mình, tôi buộc phải nói bung ra cho lũ bạn đều biết. Không phải vì tính tôi thích khoe, mà vì những ý nghĩ sôi sục quá làm người tôi nóng rừng rực, nếu không giải thoát chúng ra thì cái bụng chì của tôi đến chảy ra thành nước mất. Nghe tôi nói xong, khắp hộp chữ lại được một phen náo nhiệt. Lúc ấy tôi mới giật mình sực nghĩ đến nguy cơ, nếu không nhanh chân sẽ bị những đứa khác tranh đi mất. Nên thừa lúc mọi người còn đang nhốn nháo, "toách" một cái, tôi phóng đi.
Đã tự nhủ lần này rút kinh nghiệm không "bô lô ba la" nữa, phải tuyệt đối bí mật, nhưng không hiểu sao tôi không thể tự chủ được. Không biết sau này, khi đã tìm ra cung điện ánh Sáng, tôi sẽ được mọi người hoan hô nhiệt liệt thế nào, chứ bây giờ mới chỉ hé ra cái ý định ấy tôi cũng đã cảm thấy mình được mọi người ngưỡng mộ lắm rồi. Tôi đã qua một số nơi có anh em nhà chữ sinh sống, như qua lớp học, qua bưu điện, qua thư viện... đâu đâu người ta cũng hồ hởi đón tiếp tôi, chăm chú nghe tôi nói. Thấy mọi người nhiệt tình đối với mình, tôi càng thêm hứng khởi, quyết định thôi không la cà đây đó nhiều nữa, phải gấp rút đi ngày đi đêm, mong sao mau tới đích.

4. NHƯNG CHUYỆN KỲ LẠ TRONG VIỆN BẢO TÀNG - VA VẤP ĐẦU TIÊN - LỜI KHUYÊN CỦA MỘT BÁC CHỮ GIÀU KINH NGHIỆM
Cuộc phiêu lưu đã bước sang ngày thứ ba. Đi đã nhiều nơi, nhưng tôi chưa tìm ra mảy may dấu vết của cung điện ánh Sáng. Đã bắt đầu nản, thì may sao, vừa đến chỗ con đường ngoặt, tôi bỗng sững sờ vì một cảnh tượng kỳ vĩ hiện ra trước mắt: một tòa lâu đài mầu hồng nhạt như đọng ráng chiều, che lấp cả một phương trời. "Cung điện ánh Sáng đây rồi!" - Tôi thầm reo lên với tất cả sự ngưỡng mộ chân thành. Tôi chạy ùa qua đường, nhằm phía cổng chính mà lao tới. Chiếc cổng sắt cao lớn đứng uy nghi sừng sững, làm cho tim tôi đập rộn lên đến nghẹt thở. Tôi thu mình, bật mạnh về phía trước, vượt qua. Tôi ngã, đầu choáng váng, nhưng cố vùng dậy chạy. Một giọng nói nghiêm khắc:
- Đứng lại! Chú bé kia, đứng lại?
Tôi giật bắn người, ngã bổ chửng ra đất. Mấy anh chữ cao lênh khênh chạy tới xốc tôi dậy.
- Đi đâu mà chạy thục mạng thế, hở?
- Em... em vào cung điện ánh Sáng!
- Cung điện ánh Sáng nào? Chú mày mê ngủ rồi. Đây là Viện bảo tàng chứ cung điện ánh Sáng nào?
Tôi ấp úng định nói thêm, nhưng các anh đã bắt tôi vào giao cho mấy bác ở phòng thường trực. Tôi nói thật những dự định của tôi. Mọi người nhìn nhau, phá lên cười. Thì ra tôi nhầm. Đây là Viện bảo tàng. Lúc đầu tôi hơi thất vọng, nhưng rồi lại tươi tỉnh ngay. Mới hôm qua, lúc la cà trong Thư viện, tôi đã được nghe những anh chữ trong quyển sách nói về Viện bảo tàng, kể cho nghe nhiều chuyện rất hấp dẫn. Đã khi nào các bạn vào thăm Viện bảo tàng chưa? Tôi xin các bác phòng thường trực cho vào xem, nhưng nói thế nào các bác cũng không nghe. Tôi rơm rớm nước mắt, đứng bên bậu cửa van vỉ. Một bác giảng cho tôi:
- Hôm nào chú đi trong tổ chức nhà trường hoặc đoàn thể đến đây, chúng tôi sẽ mời các chú vào xem đàng hoàng.
Có tiếng cười nói. Tôi quay ra, thấy một đoàn thiếu nhi hớn hở đứng chờ ngoài cổng. Chị phụ trách đưa giấy giới thiệu cho bác gác cổng, xin được vào xem. Những con chữ trong giấy giới thiệu ríu ra ríu rít xếp hàng nối đuôi nhau như chơi rồng rắn, chờ đợi. Mấy bác chữ thường trực nhìn chúng nó đầy trìu mến, gật gật đầu rồi vui vẻ cho vào. Tôi càng thêm nghĩ ngợi, vừa xấu hổ, vừa tủi thân. Viện bảo tàng mà tôi từng ao ước mong có dịp được vào xem, bây giờ ở ngay trước mặt tôi kia. ở trong đó trưng bày rất nhiều thứ nói về lịch sử loài người, những chuyện cách đây hàng vạn, hàng triệu năm. Đặc biệt, lịch sử loài chữ chúng tôi cũng được nhắc đến một cách tường tận. Các bạn có thể ngờ được rằng loài chữ chúng tôi cũng có một lịch sử oai hùng không?
Ngày xưa, khi khắp trái đất, con người còn bị đầy đọa thì loài chữ chúng tôi cũng sống ngột ngạt. Sách báo bấy giờ nhiều khi chỉ toàn phải nói những chuyện đáng xấu hổ. Khi có ai đó nói đến những điều tốt đẹp thì lập tức bị kiểm duyệt cắt bỏ. Nếu những người cùng khổ ngày ngày phải lê gót trên đường phố vì thất nghiệp, phải ăn đợi nằm chờ trong các sở mộ phu, mướn thợ, thì cha anh chữ chúng tôi cũng phải ngày này sang ngày khác chầu chực trên những lá đơn xin việc làm. Nhưng cũng như con người bị đè nén mãi không chịu được phải vùng lên, loài chữ chúng tôi cũng bắt đầu phản kháng. Những sách báo tiến bộ bí mật lưu hành, đem ánh sáng chân lý đến chiếu rọi vào cuộc sống tăm tối. Những sứ giả của ánh sáng ấy phải lẩn tránh trong bóng tối, nhưng tấm lòng của họ thì sáng ngời như ngọc. Họ sống thật khó khăn.
Các bạn cũng biết đấy, sách báo bí mật có bao giờ được in giấy tốt! Anh em chữ hoạt động bí mật phải sống chật chội trong những quyến sách (những túp lều) bằng giấy bản, giấy rơm, vừa ráp vừa đen. Họ luôn luôn bị bọn thống trị lùng bắt gắt gao. Mỗi lần bắt được họ, chúng ném họ vào lửa, giày vò họ thật tàn nhẫn. Trong các nhà tù, cha anh chữ chúng tôi cũng không hề chịu khuất phục. Những hàng chữ kiên trinh gan góc ròng ròng máu đỏ trên tường nhà ngục làm cho kẻ thù run sợ và những bạn tù vững lòng tin tưởng... Dù bọn thống trị có đàn áp dã man đến đâu, dù lưỡi kéo kiểm duyệt của chúng có khắc nghiệt đến đâu, cũng không thể nào dập tắt được ánh sáng của chân lý đã nhen lên trong lòng mọi người. Khắp nơi, đâu đâu người ta cũng nổi dậy đòi quyền sống. Họ nhà chữ chúng tôi cũng từng rầm rập bước đi trong cuộc tuần hành. Chúng tôi thét vang trên những tấm biểu ngữ đỏ rực, tầng tầng lớp lớp tràn đi nhấp nhô như những làn sóng đỏ...
Thôi, tôi chẳng nói nữa. Càng nói càng thêm buồn. Tôi lững thững đến bên gốc sấu, bải hoải ngồi xuống. Tôi cảm thấy cô đơn quá. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình đơn độc và biết thế nào là buồn. Chợt có một chữ đi lại phía tôi. Ngước nhìn lên, tôi nhận ra bác P, chữ ngồi ở phòng thường trực ban nãy. Bác ngồi xuống cạnh tôi, nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi hỏi bằng một giọng trầm trầm:
- Thế nào, cháu? Sao không về nhà, lại ra đây ngồi một mình?
Giọng bác ấm áp thiết tha quá, làm tôi thấy bác thật gần gũi. Tôi kể cho bác nghe mơ ước của tôi. Kể lại từ đầu: cô Sách Giáo Khoa nói về cung điện ánh Sáng như thế nào, tôi phải sống chật chội trong hàng chữ ra sao... Bác P im lặng nghe tôi kể. Bác bóp mạnh vai tôi rồi thủ thỉ nói với tôi những điều rất mới lạ xưa nay tôi chưa từng được nghe. Bác cũng nói về những chuyện hấp dẫn trong cung điện ánh Sáng nhưng bác còn nói thêm:
- Có lẽ cô Sách Giáo Khoa còn nói nhiều điều khác nữa nhưng cháu không chịu lắng nghe nên không nhớ hết đấy. ở cái miền có cung điện ánh Sáng ấy người ta sống sung sướng thật, ở đấy có những tòa lâu đài đồ sộ, mọi người sống sung túc, ai cũng được học hành... Nhưng đó vẫn chưa phải là điều hạnh phúc nhất. Điều hạnh phúc chính là ở đó người ta sống với nhau rất tốt, ai cũng trung thực, ai cũng đem hết sức mình ra làm việc, và mọi người hết lòng yêu thương nhau, luôn lo lắng quan tâm đến nhau.
Đang nói nhỏ nhẹ, đột nhiên bác ghì chặt lấy tôi giọng xúc động khác thường:
- Thế mà cháu, cháu mơ ước đến cung điện ánh Sáng nhưng lại chỉ muốn cho riêng mình được sung sướng. Cháu bỏ mặc bạn bè. Thử hỏi, nếu ai cũng như cháu, ai cũng chỉ nghĩ đến riêng mình thôi thì sẽ ra sao? Ôi, cháu dại dột và ngốc nghếch của bác!
Tôi ôm chặt lấy ngang lưng bác, tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Bác trách mắng, nhưng tôi chẳng giận bác chút nào. Tôi biết chỉ những người thân thiết với mình, khổ tâm vì lầm lạc của mình mới có thể trách mắng mình như thế. Tôi ngả đầu vào ngực bác hồi lâu. Bên tai tôi văng vẳng mãi lời của bác: "Thử hỏi, nếu ai cũng như cháu, ai cũng chỉ nghĩ đến riêng mình thôi, thì sẽ ra sao?" Câu hỏi ấy lặp đi lặp lại mỗi lúc một nhỏ dần, nhỏ dần và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết..

(trích 4 đọan đầu trong Cuộc phiêu lưu của những con chữ, Trần Hòai Dương
Truyện Chọn Lọc, nhà xuất bản Văn Học 2006)

Không có nhận xét nào: