Tục ăn bánh trôi, bánh chay tương truyền có từ đời Hùng Vương. Xưa kia, người ta không ăn bánh trôi, bánh chay trước ngày mồng 3 tháng 3 vì ngày hôm đó có bánh mới, bắt đầu dâng tổ tiên, dâng Thổ công, mà theo truyền thống của người Việt Nam tới mỗi mùa nào đó, có hoa quả, thực phẩm gì đầu mùa, người ta chưa được phép ăn nếu chưa làm lễ cúng. Điều đó thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với thần linh, tổ tiên, đã trở thành nếp nghĩ trong mỗi con người. (xem)
Bánh trôi bánh chay
Hai thức bánh, chỉ giản đơn làm từ bột nếp và đường, cách làm cũng hết sức đơn giản. Bánh trôi nhân đường, bánh chay nhân đậu, cứ như vậy và bao lâu nay không hề thay đổi.
Một mẩu đường phên, thứ đường thô sơ mầu nâu sồng như đất Mẹ, như áo vải, mà cho vào miệng thấy gợn như sạn rồi mới chịu tan, làm nên vị ngọt ngào của nhân bánh trôi. Không thể thay bất cứ một thứ đường nào khác, dù đường phèn hay đường kính viên. Bởi vị ngọt của mật mía thô sơ và giản dị đã ngấm vào hồn cốt của bánh trôi mất rồi.
Còn bánh chay thì cầu kỳ hơn một chút. Đậu xanh xay vỡ, ngâm cho những hạt đỗ lóc hết vỏ, rồi đồ chín, giã nhuyễn cùng với đường kính trắng ...
Chừng chục viên bánh trôi xếp chung trên chiếc đĩa đàn. Ba viên bánh chay một bát chiết yêu. Rưới thứ nước đường phèn ngọt mát lên bát bánh chay, thả thêm vài hạt đỗ xanh đồ chín như những hoa cau rụng xuống giếng vàng cơn mưa đêm qua. Thêm chút nước hoa bưởi thoảng thơm. Một mâm bánh trôi bánh chay thanh tịnh như vậy cố kiếm để dâng cúng ông bà tổ tiên ngày mùng ba tháng ba âm lịch. (xem)
Tết Hàn thực - "nhớ" bánh trôi bánh chay! 08:24' 20/04/2004 (GMT+7)
(VietNamNet) - Đã từ lâu rồi, người ta không còn thói quen làm bánh trôi bánh chay vào Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 Âm lịch). Hai thứ bánh gắn với nhau như đôi tình nhân này đã thành một loại quà vặt bốn mùa, có mặt khắp ngõ phố, góc chợ hay gánh quà rong ruổi!
Theo lời mẹ kể, "Ngày xưa, trước Tết Hàn thực một ngày, nhà nào cũng lo ngâm đỗ, xay gạo, người nào không có thời gian cũng ra chợ mua sẵn bột khô về nhào nước, ủ vài tiếng cho mềm. Gạo làm bánh trôi, bánh chay dứt khoát phải kén được nếp cái hoa vàng, thứ gạo tròn hạt, đều tay, như các cụ khoe là "nếp đếm trăm được". Cứ chín phần nếp, cho một phần tẻ hoặc cùng lắm là cho đến non hai phần tẻ. Bởi nếu ít tẻ thì bánh dính và chảy, không thành hình tròn đẹp, mà nhiều quá thì lại bị cứng bánh, ăn dai mất ngon! Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là loại giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm, đem hấp chín tơi, giã mịn, trộn với đường kính trắng làm nhân bánh chay. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là loại đường phên Dương Liễu, Cát Quế, chặt thành những viên nhỏ như hạt lựu, làm nhân bánh trôi.
Thời gian nặn và luộc bánh là lúc cả nhà quây quần đông vui nhất, chẳng kém gì không khí quây quần bên nồi bánh trưng ngày Tết. Nồi nước luộc bánh đã sôi, mỗi người lần lượt thả từng chiếc bánh một (không thể tiện tay đổ ào cả mẻ vì sẽ làm nước trong nồi lạnh đi đột ngột, dễ làm bở bột, vỡ bánh). Bánh chín vớt ra, được ngâm ngay trong nước lã đun sôi để nguội cho săn mình trở lại. Khi vớt bánh, bày bánh lên bát, lên đĩa, người nội trợ chấm thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm trên mặt bánh, chan vào bát bánh chay một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Tùy theo từng nhà, ai thích thì rắc thêm vài sợi dừa nạo nhỏ, hoặc dăm hạt đỗ xanh thổi chín còn nguyên hình hoa cau. Thế là bát bánh nom như một đóa hoa cánh trắng, nhụy vàng, được bao bọc trong một làn sương mơ màng... (xem)
bánh trôi, bánh chay
và bánh trôi tàu
lê minh hà
■
Tôi hay tránh những ngùi ngùi không dưng ấy bằng một nỗi xôn xao. Tôi nghĩ về những ngày một chạp giêng hai trước tết sau tết. Tôi nghĩ về những bánh trôi, bánh chay và... Những thức quà ấy, thân thương lắm, mà sao chẳng mấy người nhắc nhở.
Có thể là vì ở nơi này người ta cũng dễ rủ rê nhau làm để ăn chăng. Bột gạo nếp, đường thẻ, đậu xanh đã xát vỏ, gừng tươi, lạc, dừa... Sẵn quá. Nên một đĩa bánh trôi, hai ba chiếc bánh chay không thể thành sự kiện như ở quê nhà, ngày mồng ba tháng ba, tiết hàn thực, bà kể cháu nghe trong lúc gò lưng trên cái cối đá xay bột làm bánh, dù ngay với bà, nước Tàu chỉ là một khái niệm xa xôi.
Ở Hà Nội thì không hẳn vậy. Những thứ bánh này đã trở thành một trong những thức quà rất lành, ăn lúc nào cũng được. Người ta bán chúng khắp nơi. Đầu một ngõ phố, trước cổng một khu tập thể nhà cửa đã xuống cấp... Có khi mấy đứa con gái lớn chưa kiếm được việc làm bên nhà hàng xóm một hôm bê cái bàn uống nước bằng gỗ tạp của bố ra đặt bên tường, rồi cái bếp dầu, rồi chiếc tủ kính con trong bày đều đặn những đĩa bánh trắng trắng, xinh xinh, đon đả mời chào láng giềng. Thế cũng đủ để có thể thành một chốn ăn 'chơi' cho bọn trẻ, hoặc giả thành nơi tụ bạ của mấy bà về mất sức trông trẻ kiếm thêm dăm ba ngàn rau cỏ cho mấy miệng ăn trong nhà.
■
Lên đời thành một thức quà, bánh trôi Hà Nội quả có khác thứ bánh trôi người quê hay làm vào dịp mồng ba tháng ba. Vài ba mảy vừng trắng rang vừa chín, xát sạch vỏ, rắc lên những chiếc bánh trôi tròn tròn bày trên đĩa men trắng bé xiu xiu. Những sắc độ trắng, của bánh, của vừng rang, của men sứ gợi bao nhiêu an bình trong hồn người? Tôi không biết. Nhưng tôi đặc biệt thích ăn thức quà này vào những sáng xuân. Chị bán hàng đầu ngõ nhà tôi, có cái nhẹ nhõm, nhanh nhảu, kỹ càng, sạch sẽ của một cô giáo dạy bậc tiểu học làm bánh bán thêm. Nhà chị phố bên, và chị không để bánh vào tủ kính mà sắp đĩa thành lớp trong thúng nhỏ, trên phủ một lớp vải màn may chập đôi lúc nào cũng trắng tinh. Mở lớp vải màn, sẽ thấy loáng thoáng trên thành đĩa những cánh hoa bưởi trắng ngà, thơm như là không thật. Trong khoảng khắc đó, khi thành phố vừa tắt đèn đường, sương tan, và trong nỗi xuân lành lạnh nhiều khi đã chơm chớm cái thoáng đãng mát mẻ của ngày chớm hạ, ra ngõ, kéo cái ghế con ngồi bên thúng bánh, đợi người bán hàng dọn chỗ, nói dăm ba câu với những người bán hàng quen mặt khách đang lục tục xếp gánh, nổi lửa cho nồi nước dùng sôi lại, hay chuẩn bị tráng những cái bánh cuốn đầu tiên cho những người thích ăn miếng nóng đầu ngày, và cầm đũa, khêu viên bánh trôi thứ nhất từ cái đĩa mà chị bán hàng đã cẩn trọng lấy từ thúng ra với vẻ mừng rỡ của người bán hàng gặp được khách mở hàng nhẹ vía, thú vị vô cùng. Mùi sương, mùi đất ngoại thành thoang thoảng từ những cánh hoa bưởi thanh khiết, mùi hoa dâu da xoan mong mỏng, mùi than tổ ong bắt đầu đượm trong lò, vừa ấm, vừa mát, và trên hết, là mùi bột gạo pha lẫn mùi đường phên len lỏi từ vòm miệng lên xoang mũi, ăn như thế, nhìn phố phường đông dần lên, và những tia nắng vàng ướt rượt đầu tiên đã nhún nhảy trên ngọn cây sao mọc bên hè... Nhớ một thời khó nhọc nào đã xa xôi gì lắm, nhà nước cấm bán tất cả những thức quà làm từ lương thực. Cái thú ăn quà sáng đầu ngày của người Hà Nội đã phải vờ vĩnh mồ yên mả đẹp. Đã ngỡ bao nhiêu là thư thả... Và đã tiếc... Này những ai ai người đất ấy, có khi nào về, hãy thử dậy thật sớm ra phố ghé xuống một hàng quà để cảm giác này lan trong thân thể, và lại mang theo khi ra khỏi đất quê, biết đâu, sẽ được yên tâm dù nỗi nhớ quê sẽ, có thể, càng day dứt.
.....
■
Bánh chưng, bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu với người Hà Nội bây giờ đều đã thành những thức quà lành và ngon. Bánh chưng ở nơi tôi đang sống đây thì hiếm dịp được bóc lắm. Hiếm hơn là bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu. Ở đất này, khi bánh mì, xúc xích, sa lát đã thành quen miệng như cơm, như vừng như lạc, như rau luộc, thì những thức quà thi thoảng mới xơi lại kia phải làm lạ miệng nhiều hơn chứ! Mà không.
Miếng ăn thành thơm thảo vì bao nhiêu linh kiện tinh thần đi kèm. Miếng ăn thành miền hồi niệm. May sao!
Cho những người đi biết còn nơi ấy. Để thương về.(xem))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét